Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn

09:56, 13/10/2015

Tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ… không chỉ giúp huyện Krông Pắc tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà còn hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện, cấp ủy, chính quyền xã Hòa Tiến đã từng bước lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Theo ông Trần Ngọc Phúc, Bí thư Đảng ủy xã, để thay đổi tập quán canh tác của người dân, khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, năm 2012, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”. Đồng thời, UBND xã cũng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với 5 giải pháp chủ yếu gồm: cơ cấu giống, ưu tiến bố trí vốn phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng, kiên cố hóa kênh mương, hình thành các khu vực chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, Đảng ủy xã đã phân công trách nhiệm cụ thể và phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên và ban tự quản 7 thôn. Cách làm này đã giúp Hòa Tiến phá thế độc canh cây cà phê, lúa nước, chăn nuôi heo, gà sang hướng đa cây, đa con; xuất hiện nhiều hình thức chăn nuôi mới, nhiều mô hình kinh tế trang trại hiệu quả. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 24% (năm 2010) xuống còn 13% (năm 2014), đời sống của đại đa số người dân được nâng lên.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất tại các vùng chuyên canh cây lúa nước ở huyện Krông Pắc.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất tại các vùng chuyên canh cây lúa nước ở huyện Krông Pắc.

Không chỉ ở xã Hòa Tiến mà các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vậy nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Để phát huy thế mạnh của địa phương có trên 91% người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-HU về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”. Trong đó, tập trung vào quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế trang trại gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Sau 5 năm triển khai thực hiện, bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với quy mô lớn: cây hàng năm ở xã Vụ Bổn, Ea Uy, Ea Kly, Ea Phê, Ea Kuăng; cây công nghiệp ở xã Hòa Đông, Ea Knếch, Ea Kênh, Ea Yông; cây công nghiệp xen canh cây ăn quả ở xã Ea Yông, Ea Kênh… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, việc chuyển đổi vật nuôi cũng được chú trọng như: sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn heo, phát triển nuôi cá nước ngọt, gà công nghiệp, chim cút, ngan Pháp, vịt siêu trứng, siêu thịt… theo quy mô trang trại. Nhờ vậy, giá trị sản xuất ngành nông – lâm – thủy sản năm 2015 ước đạt 2.362 tỷ đồng, chiếm 42,66%, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 10,15%. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Quốc Vĩnh, thực trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, sản phẩm hàng hóa lệ thuộc vào thị trường; sự liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp còn rời rạc; chăn nuôi phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, manh mún…

Vùng chuyên canh cây cà phê ở xã Ea Kênh.
Vùng chuyên canh cây cà phê ở xã Ea Kênh.

Do vậy, để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIII đã xác định “Phát triển nông nghiệp hàng hóa làm nền tảng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả, năng suất, giá trị sản phẩm trên một diện tích sản xuất”. Từ định hướng trên, trong giai đoạn 2015-2020, huyện Krông Pắc tập trung vào công tác tuyên truyền, kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi từ huyện đến cơ sở, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Bên cạnh đó, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật; đầu tư xây dựng, kiên cố hóa kênh mương; quy hoạch tốt các vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất an toàn; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, hỗ trợ kinh phí cho các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động liên kết “4 nhà” nhằm nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm lợi ích cho nông dân…

Nguyễn Xuân 


Ý kiến bạn đọc