09:55, 13/10/2015
Trong những năm qua, thị xã Buôn Hồ không ngừng tranh thủ mọi nguồn vốn từ Trung ương, địa phương đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Xác định hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, từ năm 2010 đến nay, thị xã Buôn Hồ đã triển khai xây dựng 66 công trình, hạng mục, với tổng kinh phí 370 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong đó, hệ thống đường giao thông thị xã ngày càng hoàn thiện, 100% tuyến từ trung tâm thị xã đến các xã, phường; 47% các tuyến đường chính nội thị và 65% đường liên thôn, buôn, tổ dân phố được nhựa hóa, bảo đảm giao thông thông suốt. Đáng chú ý, trong năm 2015, tuyến đường Hồ Chí Minh qua thị xã đã hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp giao thông trên tuyến thuận lợi hơn rất nhiều; tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, góp phần thay đổi diện mạo tại địa phương. Là một trong những đô thị lớn của tỉnh, với đà phát triển như hiện nay, thị xã Buôn Hồ khó tránh khỏi tình trạng ách tắc giao thông trong những năm tới. Bởi qua một khảo sát của cơ quan chức năng, trên đường Hồ Chí Minh đoạn từ TP. Buôn Ma Thuột – Buôn Hồ có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn nhất. Do đó, từ đầu năm 2015, Bộ GTVT đã có chủ trương triển khai đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua thị xã tại văn bản số 933/BGTVT-KHĐT ngày 23-1-2015, dự kiến đoạn tránh này sẽ được triển khai vào đầu năm 2016, hoàn thành năm 2017, với tổng kinh phí gần 576 tỷ đồng từ nguồn vốn dư của Dự án cải tạo, nâng cấp đường Hồ Chí Minh và các nguồn vốn khác. Qua đó, sẽ góp phần giảm tải lưu lượng người và phương tiện giao thông trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị xã Buôn Hồ; nâng cao năng lực thông xe, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông… Ngoài việc kêu gọi đầu tư các dự án lớn, trong gần 2 năm nay, thị xã còn chú trọng đầu tư kinh phí xây dựng các tuyến đường hẻm tại các xã, phường vận dụng cơ chế đặc thù theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020. Kết quả, trong năm 2014, thị xã đã trích từ nguồn ngân sách địa phương gần 4,4 tỷ đồng; ngân sách Trung ương, tỉnh 1,9 tỷ; ngân sách phường, xã và nhân dân đóng góp trên 9,5 tỷ đồng nhựa hóa được gần 16 km đường thôn, buôn tại 5 xã: Ea Siên, Bình Thuận, Ea Đrông, Cư Bao và Ea Blang và gần 10 km đường hẻm tại các phường: Đạt Hiếu, An Lạc, An Bình, Thống Nhất và Bình Tân.
|
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị xã Buôn Hồ. |
Cùng với hạ tầng giao thông, Buôn Hồ còn dành nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách và đầu tư và tranh thủ các nguồn lực ưu tiên phát triển một số công trình hạ tầng khác như hệ thống cấp nước, điện… Đến nay, khu vực trung tâm thị xã đã được đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới cung cấp nước với 8.000 m
3/ngày, đêm, bảo đảm cho 90% dân cư trung tâm đô thị có nước sinh hoạt; người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng đạt 90%; hệ thống lưới điện được triển khai đến 100% thôn, buôn, tổ dân phố, với 99,7% số hộ trong quy hoạch khu dân cư được dùng điện…
Cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, tạo đà cho thương mại, dịch vụ, công nghiệp trên địa bàn thị xã phát triển mạnh, từng bước chiếm vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của địa phương với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 16,6%/năm, riêng năm 2015 ước đạt 2.769 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2010; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 815 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2010…
Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện tiêu chí đô thị loại III, thị xã Buôn Hồ chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng vùng nông thôn; thúc đẩy kêu gọi thu hút đầu tư mở rộng và xây dựng các khu đô thị hành chính-dịch vụ tại các phường An Lạc, An Bình, Đạt Hiếu, khu đô thị văn hóa thể dục-thể thao tại phường Đoàn Kết và Thiện An trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc