Multimedia Đọc Báo in

Trẻ hóa và thụ phấn nhân tạo cây na trồng xen cà phê

09:39, 19/10/2015
Cây na (còn gọi là mãng cầu ta) là một trong những loại cây ăn quả dễ thích nghi với điều kiện môi trường nên đã được người dân một số địa phương trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột lựa chọn trồng xen trong vườn cà phê. Cây na có lúc mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân trong những năm hạn hán hay thời kỳ giá cà phê xuống thấp.

Tuy nhiên, việc trồng và tiêu thụ na vẫn mang tính tự phát. Hầu hết nông dân tự nhân giống từ cây thực sinh trong vườn; không đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho cây na; mật độ trồng xen na trong cà phê không hợp lý (có vườn quá dày, có vườn lại quá thưa), chưa áp dụng kỹ thuật tạo hình, trẻ hóa cây na. Đặc biệt người trồng na chưa biết điều khiển ra hoa trái vụ, không biết phương thức thụ phấn nhân tạo để mang lại năng suất, chất lượng quả na theo ý muốn... Vì vậy, hầu hết diện tích na (được trồng xen trong cà phê) cho năng suất, chất lượng thấp, giá trị kinh tế không tương xứng với tiềm năng mà cây na có thể mang lại.

Để khai thác tiềm năng năng suất của cây na trồng xen trong cà phê, cần chú trọng các biện pháp chăm sóc loại cây này theo từng giai đoạn phù hợp:

Thu hoạch na tại vườn cà phê xen na của gia đình anh Y Thanh, buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).
Thu hoạch na tại vườn cà phê xen na của gia đình anh Y Thanh, buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).

Mật độ trồng xen na trong vườn cà phê phải hợp lý (hai hàng cà phê kết hợp một hàng na). Sau khi thu hoạch na (tại TP. Buôn Ma Thuột vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10), phải tiến hành cắt bỏ toàn bộ những cành nhỏ mọc trong tán, cành khô, cành tăm hương, chừa lại những cành to bằng ngón tay út trở lên và trên những cành ấy cắt bỏ tất cả chồi ở nơi tiếp giáp giữa cành bánh tẻ và cành non (đối với những cây na rậm rạp nhưng ít quả). Sau khi cắt tỉa 10-15 ngày, trên mỗi cành thường mọc ra nhiều chồi, nên tỉa bớt chỉ chừa lại 4-6 chồi khỏe mạnh được phân đều về các hướng. Đối với những cây na sau thu hoạch từ 3 – 5 năm cần đốn trẻ lại, sau đó cứ 3 năm đốn lại một lần. Thu gom, tiêu hủy mọi tàn dư thực vật dưới gốc na để loại bỏ các mầm mống sâu bệnh hại có thể lây lan những vụ sau. Bón đủ phân chuồng hoặc phân vi sinh, các loại phân khoáng theo nhu cầu cây na, tủ kỹ gốc, tưới đủ ẩm sang xuân cây sẽ bật chồi, hình thành bộ tán mới.

Ở Đắk Lắk, chính vụ thu hoạch na vào tháng 8, lượng na trên thị trường nhiều, giá bán không cao vì “cung vượt cầu”. Để có na bán vào tháng 7 với giá bán gấp đôi so với chính vụ thì từ đầu tháng 11 năm trước phải tiến hành xử lý na bằng các phương pháp như tuốt lá sớm (theo kinh nghiệm của một số nhà vườn, pha 800g urê trong bình 8 lít nước rồi phun ướt đẫm cây làm rụng lá già, cây tập trung ra hoa sớm); hay bón sớm một lượng kali (vào đầu tháng 2) để kìm hãm quá trình sinh trưởng dinh dưỡng (phát triển chồi, cành, lá), bắt cây na chuyển qua quá trình sinh trưởng sinh thực (hoa, quả) sớm hơn và nhanh hơn. Có thể kết hợp bón phân kali với nguyên tố kẽm sẽ điều tiết cây trồng phân hóa mầm hoa nhanh nhất. Ngược lại, muốn cây na ra hoa chậm lại thì kéo dài quá trình sinh trưởng dinh dưỡng, bằng cách cung cấp lượng phân đạm cao hơn mức bình thường đồng thời giảm phân kali ở mức thấp nhất (vào cuối tháng 2, đầu tháng 3).

Tại Đắk Lắk, cây na thường phân hóa mầm hoa vào tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau, ra hoa vào tháng 2 đến tháng 3. Thời điểm này trời hay có gió lớn nên việc thụ phấn thường gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cây na thụ phấn chéo bởi hoa cái thường có khả năng tiếp nhận hạt phấn trước từ 1-2 ngày lúc hoa đực tung phấn; thời gian thụ phấn ngắn và chủ yếu thụ phấn nhờ côn trùng và gió. Vì thế, muốn cây na quả đậu nhiều với những vị trí quả dễ thu hoạch, cần phải thụ phấn bằng tay cho na. Để thụ phấn bằng tay đạt hiệu quả cao, vào chiều hôm trước (khoảng từ 15 – 17 giờ), người sản xuất ra vườn chọn hái những hoa sắp nở, cánh đã dài, màu trắng vàng, các cánh đã bắt đầu tách khỏi nhau, nhị đực đã bắt đầu chuyển sang màu trắng kem, bao phấn sắp nứt (chọn những hoa ở gần ngọn, đầu các cành nhỏ, khả năng đậu quả thấp) để lấy phấn. Hái xong cho hoa vào túi giấy đậy kín, để qua đêm cho hoa nở và phấn chín hoàn toàn. Sáng hôm sau đổ hoa ra đĩa khô, sạch, bỏ hết cánh hoa, rũ cho hạt phấn rơi ra, thu gom cho vào lọ thủy tinh hoặc đĩa có phủ vải lên trên để giữ ẩm rồi đem đi thụ phấn cho na. Những hoa được thụ phấn khoảng 1 tuần sau sẽ hình thành quả. Thời gian thụ phấn tốt nhất là từ 8-10 giờ sáng, hoa nào nở trước thụ phấn trước, hoa nở sau tiếp tục thụ phấn các lần tiếp theo. Tốt nhất nên thụ phấn bổ sung cho na 2 lần cách nhau 1 ngày và chọn hoa để thụ phấn sao cho số hoa cách đều trên cành thì tỷ lệ đậu quả mới cao, quả sẽ to và sẽ ít bị rụng sau này. Khoảng 3-4 ngày thụ phấn 1 lần cho 1 cây và cả mùa na cũng chỉ thụ phấn 8-10 lần khi cây ra nhiều hoa nhất. Trong thời gian thụ phấn bổ sung không được phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, hạn chế tưới nước. Khi hoa đã đậu, quả bắt đầu lớn thì cần tăng cường tưới nước, chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đầy đủ, bón phân kịp thời để nuôi quả lớn.

Cây na thường xuất hiện các loại sâu hại như: Rệp sáp trắng, sâu đục quả, bọ vòi voi gây hại bông na, mối hại gốc na, nhện đỏ; các loại bệnh thán thư, thối gốc, rễ… Đối với các loại sâu, bệnh này, khi phát sinh với mật độ vượt ngưỡng nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoặc thuốc hóa học ít độc để bơm, chú ý thời gian cách ly đúng quy định.

 Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.