Multimedia Đọc Báo in

Trồng cây sả dầu trên đất pha sỏi đá: Hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Ea Tir

09:40, 19/10/2015
Ea Tir là xã mới được thành lập thuộc vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Ea H’leo. Địa bàn xã chủ yếu là đất pha sỏi đá nằm trên các đồi, núi cằn cỗi, trong những năm qua, người dân vẫn loay hoay tìm kiếm các loại cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế. Gần đây, mô hình trồng cây sả trên đất pha sỏi đá để chế biến tinh dầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Ea Tir.

Gia đình ông Hứa Văn Mộc định cư ở xã Ea Tir từ năm 2001. Với gần 6 ha đất, gia đình ông Mộc trồng 2 ha cà phê, 1 ha hồ tiêu, 1,5 ha cao su và hoa màu song thu nhập mỗi năm chỉ gần 200 triệu đồng. Từ cuối năm 2013 trở lại đây, ông Mộc trồng cây sả xen canh trong diện tích tiêu, cà phê, cao su và trồng trên những khoảnh đất pha sỏi đá mà không thể trồng được các loại cây trồng khác. Chỉ riêng 2 ha sả, mỗi năm gia đình ông đã có thu nhập ổn định 100 triệu đồng. Gia đình ông Mông Văn Hẹn ở thôn 1, xã Ea Tir cũng đang trồng, chăm sóc và khai thác 2 ha cây sả để chế biến tinh dầu,  mỗi tháng cho thu nhập 15 triệu đồng.

Người dân thôn 1, xã Ea Tir (huyện Ea H’leo) thu hoạch lá sả về nấu tinh dầu.
Người dân thôn 1, xã Ea Tir (huyện Ea H’leo) thu hoạch lá sả về nấu tinh dầu.

Theo ông Phùng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tir cho biết: Toàn xã Ea Tir có hơn 9.800 ha đất tự nhiên, trong đó có 2/3 diện tích là đất pha sỏi đá. Nhiều khu vực được người dân ví là nơi "chó ăn đá gà ăn sỏi", trồng lúa không được, trồng hoa màu thì chết khô. Bên cạnh đó, do địa hình dốc nên mỗi khi mưa, nước từ trên cao đổ xuống lại rửa trôi một lớp đất màu. Trải qua năm tháng, những bãi đá sỏi cứ thế trơ ra, để lại một vùng đất rộng cằn cỗi, người dân loay hoay không biết trồng cây gì để có hiệu quả, nhiều khi phải bỏ đất hoang cho cỏ dại mọc. Vào năm 2013, có 9 hộ dân ở thôn 1 ra tận tỉnh Tuyên Quang tìm hiểu và mua giống sả lấy tinh dầu đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích đất pha sỏi đá. Hợp với thổ nhưỡng nên những gốc sả phát triển xanh tốt. Đặc biệt là vào mùa khô, trong khi những loại cây trồng khác phải tưới nước mới sống được thì những diện tích sả không cần tưới vẫn phát triển bình thường. Hiện nay, trên địa bàn xã Ea Tir có khoảng 50 hộ trồng sả với tổng diện tích khoảng 100 ha, trong đó có 40 ha sả đang cho thu hoạch, số còn lại mới trồng. Theo tính toán sơ bộ, trên 1 ha đất pha sỏi đá, nếu như trước đây mỗi năm người dân trồng đậu đỗ, sắn chỉ cho thu nhập chưa đến 8 triệu đồng thì khi trồng sả người dân có thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Chưa kể, nhiều hộ còn trồng xen canh cây sả trong vườn tiêu, cao su, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Theo các hộ nông dân trồng sả ở xã Ea Tir, trên  diện tích 3 sào sả đang cho thu hoạch, cứ mỗi 30-45 ngày người dân tiến hành cắt lá 1 lần rồi mang đi nấu tinh dầu, cho ra thành phẩm từ 12 - 15 lít tinh dầu sả. Với giá nhập cho các công ty sản xuất, chế biến tinh dầu sả trong nước hiện nay, mỗi lít dầu sả người dân thu về từ 230.000 - 250.000 đồng.

Thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây sả trên đất pha sỏi đá mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân xã Ea Tir đang tiếp tục mở rộng diện tích và trồng sả xen canh trong vườn cà phê, hồ tiêu và cao su; thậm chí một số hộ đân ở khu vực Chư Ktây, xã Ea Khal (huyện Ea H’leo) cũng đang học theo trồng loại cây này. Một nhóm các nông hộ còn dự định xây dựng thêm 1 lò nấu tinh dầu sả vào năm 2016.

Trường Ngữ


Ý kiến bạn đọc