Multimedia Đọc Báo in

Trồng rừng thay thế chậm vì thiếu vốn

09:31, 20/10/2015
Theo thống kê của Chi cục Lâm nghiệp, toàn tỉnh hiện có 57 dự án chuyển đổi rừng sang mục đích khác và phải trồng rừng thay thế với diện tích 2.253,4 ha, trong đó, diện tích rừng chuyển đổi để xây dựng các công trình thủy điện 263,5 ha, chuyển đổi xây dựng các công trình mang tính chất kinh doanh 286,8 ha và các công trình công cộng 1.703 ha.
 
Tính đến nay, các đơn vị và địa phương đã trồng thay thế được 367,5 ha/2.253,4 ha, trong đó, trồng rừng thay thế của các công trình thủy điện đã cơ bản hoàn thành với 260ha/263,5 ha; các công trình kinh doanh trồng được 107,8ha/286,8 ha; những diện tích trồng rừng thay thế  của các công trình công vẫn chưa triển khai được. 
Trồng rừng thay thế tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông.
Trồng rừng thay thế tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông.

Ông Nguyễn Đức Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT về rà soát các dự án đã triển khai chuyển đổi rừng sang mục đích khác cần phải trồng rừng thay thế, giai đoạn 2006 – 2013, các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành rà soát, thống kê lại tất cả những diện tích rừng này và làm việc với các đơn vị là đối tượng phải trồng rừng thay thế để hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục để triển khai việc trồng rừng. Đồng thời UBND tỉnh cũng ban hành quyết định về giá trồng rừng thay thế để những đơn vị, tổ chức trồng rừng thay thế có thể nộp tiền (bù trồng rừng) vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, theo đó, cơ quan chức năng sẽ phân bổ nguồn tiền này cho các chủ rừng đủ điều kiện để trồng rừng thay thế. Nhờ vậy mà sau 2 năm triển khai, đến nay các dự án thủy điện phải trồng rừng thay thế đã cơ bản trồng bù đủ diện tích, và gần ½ diện tích rừng thay thế được trồng thuộc các công trình kinh doanh. Tuy nhiên,  so với tổng diện tích phải trồng thì kết quả vẫn chưa cao, nguyên do một số dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đều triển khai trước khi Thông tư 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 6-5-2013 của Bộ NN-PTNT có hiệu lực nên không đưa hạng mục trồng rừng thay thế vào dự án hoặc đã hoàn thành và chuyển giao cho đơn vị khác quản lý, do đó rất khó cho cơ quan chức năng khi tiến hành đốc thúc việc trồng rừng thay thế.  Ngoài ra, một số chủ dự án kinh doanh phải trồng rừng thay thế không thực hiện đúng trách nhiệm xây dựng phương án trồng rừng, có biểu hiện chây ì, trốn tránh không hợp tác để kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ trồng rừng. Đối với những diện tích này trong năm 2016, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Quyết định phê duyệt diện tích, giá trị trồng rừng thay thế để các chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Những đơn vị nào chây ì không thực hiện sẽ kiên quyết xử lý theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản…

Được biết, Sở NN-PTNT đang tổng hợp danh sách, diện tích trồng rừng thay thế của các chủ dự án chuyển mục đích sử dụng rừng xây dựng các công trình công cộng để xây dựng phương án trồng rừng thay thế chung cho toàn tỉnh, dự kiến năm 2018 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để “cán đích” kế hoạch trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển sang mục đích công cộng chính là nguồn vốn, bởi đang phải chờ Trung ương bố trí theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo Quyết định 57/QĐ-TTg ngày 9-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, một khó khăn nữa là theo quy định tại Thông tư số 26/2015/TT-BNNPTNT ngày 29-7-2015 của Bộ NN-PTNT, số tiền nộp vào Quỹ bảo vệ phát triển rừng để trồng rừng thay thế chỉ được bố trí trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, tuy nhiên, hiện nay quỹ đất để trồng rừng phòng hộ, đặc dụng phân bố nhỏ lẻ, manh mún, địa hình dốc và đi lại khó khăn, trong khi quỹ đất quy hoạch trồng rừng sản xuất lớn, phân bố tập trung, hiệu quả đầu tư về kinh tế, xã hội cao hơn. Sở NN-PTNT đã kiến nghị với Bộ NN-PTNT việc bố trí nguồn vốn này cho trồng trên 3 loại rừng: sản xuất, phòng hộ, đặc dụng, trong đó ưu tiên trồng rừng phòng hộ, đặc dụng. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần sớm bố trí nguồn vốn trồng rừng thay thế đối với những diện tích rừng chuyển đổi để xây dựng các công trình công cộng giúp địa phương sớm triển khai, bảo đảm hoàn thành kế hoạch trồng rừng thay thế”.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc