Tư vấn, phản biện và giám định xã hội đề án Đánh giá quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên
Sáng 15-10, Hội tưới tiêu Việt Nam tổ chức hội thảo Tư vấn, phản biện và giám định xã hội về đề án Đánh giá quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên, kiến nghị các giải pháp khắc phục những tồn tại góp phần bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Tham dự hội thảo có đại diện các Sở NN-PTNT, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Quang cảnh hội thảo |
Theo thống kê của đề án, tính đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng được 2.354 công trình thủy lợi, gồm: 1.190 hồ chứa, 972 đập dâng, 130 trạm bơm và 62 công trình khác, bảo đảm tưới theo thiết kế đạt 74,4%. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, nâng khả năng cấp nước bảo đảm sản xuất 1.580.800 ha cây trồng các loại; tạo nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt 6,5 triệu người; nghiên cứu các giải pháp giảm nhẹ thiệt hại do lũ, lụt gây ra ở những vùng trũng; các giải pháp quy hoạch cấp nước, tiêu nước có lồng ghép nội dung thích ứng biến đổi khí hậu. Đề án cũng đã đưa ra các kịch bản sử dụng nước và giải pháp tổng thể về cấp nước, tiêu nước, phòng chống lũ…
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk phát biểu ý kiến |
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, đề án cần chú trọng đến việc quy hoạch thủy lợi cho các loại cây công nghiệp vùng Tây Nguyên và các giải pháp tưới tiên tiến; các đánh giá của đề án chưa đầy đủ, cần dựa vào quy hoạch thủy lợi của các tỉnh Tây Nguyên đã được thông qua; về nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình, cần đánh giá lại và cụ thể hơn; phải có các giải pháp về sử dụng nguồn nước ngầm…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc