Multimedia Đọc Báo in

Các hội nghị xúc tiến, kết nối giao thương: Mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp

09:24, 23/11/2015

Nhiều hội nghị xúc tiến, kết nối giao thương ở lĩnh vực thương mại, du lịch được các ngành chức năng của tỉnh tổ chức trong thời gian qua đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, liên kết phát triển cho doanh nghiệp các địa phương.

Doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch tỉnh Quảng Bình tham quan, khảo sát thực tế tại Trung tâm Du lịch huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk).
Doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch tỉnh Quảng Bình tham quan, khảo sát thực tế tại Trung tâm Du lịch huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk).

Ngày 12-11 vừa qua, tại TP. Buôn Ma Thuột đã diễn ra Hội nghị xúc tiến, liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Đắk Lắk với Quảng Bình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh tổ chức. Đây là dịp để nhà chức trách, hơn 40 doanh nghiệp (DN) hoạt động ở lĩnh vực du lịch gặp gỡ, tìm hiểu thông tin và kết nối các tour, tuyến nhằm thúc đẩy liên kết du lịch giữa hai tỉnh. Tại buổi gặp gỡ, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận: Mỗi tỉnh đều có những điều kiện, thế mạnh riêng để phát triển du lịch, phía Quảng Bình thì nổi tiếng với Động Phong Nha - Kẻ Bàng, có cảng biển sâu, hang Sơn Đoòng… rất thuận lợi để phát triển du lịch biển đảo, thám hiểm; Đắk Lắk cũng nhiều tiềm năng và lợi thế, trước tiên là vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên, quan trọng hơn, địa hình cảnh quan đẹp và đa dạng với đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ, không gian văn hóa cồng chiêng… là tiền đề để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lễ hội. Tuy nhiên, ngành du lịch của hai tỉnh vẫn phát triển chưa như kỳ vọng. Trên thực tế, lượng khách từ Quảng Bình đến với Đắk Lắk và chiều ngược lại vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình là do giao thông từ Quảng Bình đến Đắk Lắk hiện tại chỉ có thể đi bằng đường bộ nên chưa thật sự thuận lợi để thúc đẩy lượng khách. Do đó, thời gian tới, việc xúc tiến để mở đường bay Buôn Ma Thuột - Quảng Bình là hết sức cần thiết. Ông Kỳ cũng thông tin thêm, theo thống kê  sơ bộ, hiện có khoảng 400.000 người Quảng Bình lập nghiệp, sinh sống tại Đắk Lắk. Với lượng người xa quê khá đông như vậy sẽ là kênh kết nối thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, du lịch giữa hai tỉnh. Về hoạt động xúc tiến đầu tư, phía tỉnh Quảng Bình cũng bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều DN của Đắk Lắk đầu tư mở quán cà phê, loại hình lưu trú mang đậm chất Tây Nguyên và đưa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh có mặt trên đất Quảng Bình. Bởi có rất đông người dân Quảng Bình duy trì thói quen thưởng thức và ưa chuộng phong vị đậm đà của cà phê Buôn Ma Thuột.  Dấu mốc quan trọng tại cuộc gặp gỡ lần này là đại diện lãnh đạo Sở của hai tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với nội dung chính là hợp tác quảng bá, xúc tiến để khai thác lợi thế, đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp Quảng Bình tìm hiểu  thông tin về du lịch Đắk Lắk.
Các doanh nghiệp Quảng Bình tìm hiểu thông tin về du lịch Đắk Lắk.

Trên lĩnh vực xúc tiến thương mại, Hội nghị kết nối giao thương giữa 25 DN, hợp tác xã, nhà phân phối của tỉnh Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu do Sở Công thương hai tỉnh phối hợp tổ chức cách đây không lâu (hồi đầu tháng 6 vừa qua) cũng đã mở ra nhiều cơ hội liên kết mới để phát triển giữa hai địa phương. Các DN  Bà Rịa – Vũng Tàu đã trao đổi thông tin về khả năng cung ứng và giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương và bày tỏ mong muốn hợp tác, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, nhà phân phối tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh tại thị trường Đắk Lắk. Được trực tiếp tiếp cận các nhà phân phối của Đắk Lắk tại hội nghị lần này như siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, V.Mart Ea Kar… các DN phía Bà Rịa – Vũng Tàu mong muốn được chia sẻ thêm thông tin về thị hiếu cũng như nhu cầu của khách hàng, hợp tác phân phối sản phẩm mà không phải qua khâu trung gian để mang đến mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Các DN phía tỉnh Đắk Lắk cũng đã trao đổi thông tin về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng và mong muốn hợp tác để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Nhiều DN cho rằng, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trên tại Bà Rịa – Vũng Tàu không phải là ít, vấn đề là làm thế nào để bắt tay với nhà phân phối tại tỉnh  này để kết nối,  phát triển thị trường đầu ra. Góp phần “gỡ rối” cho thắc mắc này của các DN, ông Võ Đông Phương, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng  định, Trung tâm sẽ nỗ lực, tạo mọi điều kiện để sản phẩm của Đắk Lắk có mặt tại cửa hàng bán lẻ, siêu thị, chợ dân sinh trên địa bàn. Cụ thể, sẽ hỗ trợ kết nối với nhà phân phối, tiểu thương tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn; đồng thời, tổ chức đăng tải thông tin DN, giới thiệu hàng hóa của DN Đắk Lắk trên webside của  Sở, trang thông tin của Trung tâm xúc tiến thương mại Bà Rịa – Vũng Tàu...

Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng lẫn DN, có thể nói, đây là hoạt động thiết thực làm “cầu nối” xúc tiến thương mại, du lịch giúp DN tiếp cận các thị trường mới. Quan trọng hơn, đã hỗ trợ thông tin, hỗ trợ DN địa phương có cái nhìn rõ nét hơn về đối tác trước khi mang sản phẩm hàng hóa, kết nối tour, tuyến vào thị trường mới.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.