Multimedia Đọc Báo in

Cải cách thủ tục hành chính Thuế: Những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ

09:22, 23/11/2015
Thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong thời gian đến.

Những kết quả đáng ghi nhận

Một trong những giải pháp để thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế là công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT). Ngành Thuế đã phối hợp với ngành chức năng và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NNT thực thi tốt chính sách, pháp luật thuế. Mặt khác, bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ còn là cầu nối tiếp nhận ý kiến của NNT phản ảnh tới các cơ quan có thẩm quyền hoạch định chính sách thuế để sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời. Ngành Thuế đã tổ chức được 63 lớp tập huấn về chính sách thuế với gần 8 nghìn lượt người tham dự; hỗ trợ NNT 107 văn bản, gần 1,9 nghìn lượt NNT tại cơ quan thuế, gần 2,5 nghìn lượt NNT qua điện thoại… Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, ngành Thuế đã phối hợp vơi Sở KH-ĐT cấp mới 625 Giấy phép kinh doanh theo hình thức liên thông điện tử. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành Thuế đã triển khai mạnh về nộp thuế điện tử, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho NNT. Tính đến nay, 94,85% NNT  đã đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế và 90% NNT đăng ký nộp thuế với các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Cán bộ ngành Thuế huyện Krông Pắc kiểm tra một cơ sở  kinh doanh trên địa bàn.
Cán bộ ngành Thuế huyện Krông Pắc kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

“Nghẽn” trong thực thi pháp luật thuế

Dù ngành Thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách hành chính, việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) còn “kêu” về thủ tục hành chính thuế,  về sự phiền hà, máy móc của các đơn vị trực tiếp thực hiện giao dịch với DN. Đặc biệt, những vấn đề dễ gây hiểu lầm, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau như phương pháp hướng dẫn kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với trường hợp bị trả lại hàng hóa, chứng từ thanh toán qua ngân hàng quá thời hạn hợp đồng… đang gây khó khăn cho DN. Đáng chú ý hơn là nhiều DN đang “kêu” về trình độ nghiệp vụ của cán bộ thuế chưa đáp ứng yêu cầu đã gián tiếp gây khó cho DN. Chẳng hạn, một DN kinh doanh thiết bị trường học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nêu bức xúc rằng trong quá trình kiểm tra tại DN mình, khi bộ phận kế toán thắc mắc về một số chứng từ thanh toán qua ngân hàng quá thời hạn hợp đồng thì cán bộ thuế không những không giải thích thấu đáo mà còn chuyển ngay sang kiểm tra chi phí lao động (một nội dung mà hầu hết DN đều mắc sai sót do biến động lao động thường xuyên). Nhiều DN cho rằng, kiểm tra chi phí lao động là “bùa hộ mệnh” của cán bộ thuế khi muốn “làm khó” DN! Chưa hết, có những mẫu hàng đơn giản với tiền thuế chỉ vài triệu đồng nhưng mất gần cả chục triệu đồng để kiểm tra chuyên ngành, bất cập này khiến không ít DN nhỏ tìm cách “lách” thuế cho nhanh và đỡ tốn kém…

Theo đại diện Cục Thuế tỉnh, phản ánh của DN là đúng nhưng những vướng mắc chủ yếu tập trung ở cấp chi cục thuế. Do vậy thời gian tới, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ thuế ở cấp chi cục.

Có thể thấy, cải cách thủ tục hành chính thuế đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ khung pháp lý đến người thực hiện. Hiện nay, những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách đang dần được tháo gỡ, vấn đề còn lại là những người thực hiện cần bảo đảm thực thi đúng và đầy đủ…

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.