Cấp bách tổ chức lại ngành cà phê (kỳ II)
Kỳ II: Đẩy mạnh phát triển chuỗi cà phê theo hướng bền vững
Cả nước hiện có khoảng 670.000 ha cà phê, sản lượng bình quân hằng năm ước đạt trên 1,6 triệu tấn cà phê nhân, đưa Việt Nam lên thứ 2 thế giới về lượng cà phê xuất khẩu và đứng đầu về cà phê Robusta. Tuy nhiên, vị trí nhất nhì thế giới của ngành cà phê Việt Nam đang bị đe dọa do diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng.
Dồn lực cho tái canh cà phê
Khác với các loại cây trồng khác, cà phê trồng ở khu vực càng cao (trên 400 m so với mực nước biển) thì mùi vị càng thơm ngon, bởi ở độ cao đó giúp cây cà phê tích lũy các vi chất trong nhân, tạo nên mùi vị đặc trưng riêng của cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, một phần diện tích cà phê nước ta đã trồng cách đây khoảng 20 năm, do đó, việc cấp bách hiện nay của ngành cà phê là rà soát lại quy hoạch vùng trồng cà phê phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, độ cao, nước tưới… đồng thời ổn định diện tích trong khoảng 600.000 ha như tính toán của các nhà khoa học và ngành nông nghiệp. Riêng vùng trọng điểm phát triển cà phê tập trung tại 4 tỉnh Tây Nguyên khoảng 530.000 ha, trong đó, Đắk Lắk (190.000 ha), Lâm Đồng (150.000 ha), Gia Lai (75.000 ha), Đắk Nông (115.000 ha). Theo phương pháp trồng tái canh cà phê, chi phí mỗi héc-ta cần khoảng 200 triệu đồng, do đó, cần đẩy mạnh chính sách cho vay tái canh để thực hiện thành công đề án phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020 của Bộ NN-PTNT với mục tiêu cả nước tái canh khoảng 90.000 ha (mỗi năm tái canh 12-15%), ghép cải tạo 30.000 ha, chủ yếu tập trung tại Lâm Đồng, Gia Lai.
Sản xuất giá thể cây giống tại Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Ea Kmat. |
Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, không thể phủ nhận những khó khăn, thách thức mà ngành cà phê đang phải đối mặt nhưng nếu xét trên khía cạnh tổ chức sản xuất thì đây cũng là cơ hội để tổ chức lại ngành cà phê theo hướng bền vững. Bởi lẽ, thời kỳ diện tích cà phê tăng vọt (1995-2000) đa số người dân đều tự chọn giống bằng cách lựa các hạt cà phê lớn nhất trên những cây nhiều quả nhất trong vườn và tự gieo ươm khiến phẩm chất của cây cà phê bị giảm sút, kích cỡ, số lượng trái không đạt như mong muốn. Do vậy, cần phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, sử dụng 100% giống cà phê mới trong quá trình ghép cải tạo và trồng mới, đưa tỷ lệ diện tích cà phê giống mới lên 40%. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người trồng xây dựng vườn cà phê bền vững ngay từ đầu với các hành lang vườn cây che nắng, chắn gió, đầu tư thủy lợi, xây dựng hồ chứa tích nước để cứu hạn mùa khô…
Đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ sản phẩm
Tây Nguyên là vùng sản xuất cà phê chính của cả nước với khoảng 580.000 hộ trồng và trên 80% diện tích cà phê do các hộ nông dân trực tiếp quản lý với quy mô nhỏ lẻ từ 0,5-1 ha. Do đó, việc xác định đối tượng tái canh và thực hiện các chính sách gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, các hộ dân sản xuất với quy mô nhỏ lẻ nên dễ gặp rủi ro trong quá trình sản xuất cũng như khi thị trường giá cả biến động. Bên cạnh đó, đa số nông dân chưa có hoặc chưa chú tâm đến việc tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất khiến năng suất, phẩm cấp cà phê nhân còn thấp, sản phẩm sản xuất ra không đồng đều về chất lượng, khó truy nguyên nguồn gốc nên tính cạnh tranh không cao, phải bán với giá thấp làm ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ. Đặc biệt, sản xuất nhỏ lẻ khiến nông dân không đủ sức mạnh cạnh tranh, liên kết cũng như tiếp cận các chính sách, nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất do tính pháp lý không có. Người trồng cà phê thiếu vốn nên họ chấp nhận liên kết hợp tác phi chính thức (bằng miệng) với các đại lý, công ty sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp để mua chịu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… theo lãi suất ngân hàng, đẩy chi phí sản xuất tăng cao, đồng thời phải chịu các rủi ro về chất lượng phân bón, vật tư… Phát biểu trong Hội thảo phát triển chế biến cà phê do Bộ NN-PTNT vừa tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua tại TP. Buôn Ma Thuột, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, chúng ta cần phải tận dụng cơ hội hiện nay là chủ trương tái canh cà phê để tổ chức lại ngành cà phê. Theo đó, cần liên kết các hộ sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh, tiêu thụ cà phê thành chuỗi sản xuất. Các hộ dân tại mỗi tỉnh sẽ thành lập 1 hội người sản xuất cà phê bền vững, dưới hội là các chi hội cấp huyện tập hợp những người sản xuất, kinh doanh cà phê theo các tiêu chuẩn như UTZ, 4C, Fair Trade, VietGAP… để liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ.
Nguồn lợi từ ngành hàng cà phê rất lớn và thị trường tiêu thụ cà phê ngày càng tăng, do đó các doanh nghiệp hưởng lợi từ ngành cà phê cần phải chung tay cùng người trồng cà phê vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Hội người sản xuất cà phê bền vững tỉnh và 2 chi hội tại huyện Lâm Hà, Di Linh. Còn tại Đắk Lắk, việc sản xuất cà phê có tổ chức ngày càng được chú trọng với các HTX chuyên về cây cà phê như HTX NNDV Ea Kiết, Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar), Ea Kmát (huyện Krông Pắc)… Hiện tại, Sở NN-PTNT đang xúc tiến thành lập 2 chi hội người sản xuất cà phê bền vững tại huyện Cư M’gar và Krông Năng.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc