Multimedia Đọc Báo in

Nan giải tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

09:05, 21/11/2015
Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhằm khắc phục các bất cập, nâng cao hiệu quả kinh doanh, nguồn vốn nhà nước tại DN và tăng cường vai trò dẫn dắt nền kinh tế của DNNN. Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN của Chính phủ, nhưng đến nay tiến độ thực hiện đang rất chậm.

Đắk Lắk hiện có 29 DNNN thuộc tỉnh quản lý, gồm 2 DN hoạt động trong lĩnh vực công ích, 2 DN tài chính và sản xuất dịch vụ, 10 DN sản xuất kinh doanh nông nghiệp, 15 DN sản xuất lâm nghiệp. Theo phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt, trong giai đoạn 2014-2015 tỉnh phải thực hiện cổ phần hóa (CPH), sắp xếp lại hoạt động của các DN này. Trong đó, các đơn vị thuộc đối tượng phải CPH là Công ty TNHH MTV (Công ty) Cao su Đắk Lắk, Công ty Cà phê Thắng Lợi, Công ty Cà phê – Ca cao Tháng 10, Công ty Cà phê Ea Pốk, Công ty sản xuất kinh doanh tổng hợp Krông Ana, Công ty Đô thị và Môi trường, Công ty Quản lý công trình thủy lợi; phối hợp với nhà đầu tư khác thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên đối với Công ty Cà phê Cư Pul, Công ty Lâm nghiệp Cư M’lanh, Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh, Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp, Công ty Lâm nghiệp Ea H’mơ, Công ty Lâm nghiệp Thuần Mẫn, Công ty Lâm nghiệp Phước An, Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm; giải thể Công ty Cà phê Buôn Ma Thuột, Công ty Cà phê Dray H’ling, Công ty Cà phê – Ca cao Krông Ana; duy trì, củng cố, phát triển và Nhà nước giữ nguyên 100% vốn điều lệ đối với Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, Công ty Lâm nghiệp M’Đrắk, Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, Công ty Lâm nghiệp Buôn Wing, Công ty Lâm nghiệp Chư Phả, Công ty Lâm nghiệp Ea Wy, Công ty Xổ số kiến thiết Đắk Lắk, Công ty Quản lý công trình thủy lợi. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An (đơn vị được chọn thí điểm CPH) đã xác định xong giá trị DN và dự kiến sẽ chính thức chuyển thành công ty cổ phần trong quý I-2016. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến tiến độ sắp xếp hoạt động của các DNNN trên địa bàn tỉnh chậm, nhưng chủ yếu là do các DN này không hấp dẫn nhà đầu tư. Đặc biệt, đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, việc CPH rất khó khăn do đối tượng các dự án đưa vào chuyển nhượng không hấp dẫn, giá chuyển nhượng so với chi phí đầu tư ban đầu thấp do bị ép giá, quá trình xử lý đất đai phức tạp.

Đất của một công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp bị người dân khoanh bao, lấn chiếm
Đất của một công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp bị người dân khoanh bao, lấn chiếm

Thực tế là trên cơ sở các đề án đã được phê duyệt, các DNNN trên địa bàn tỉnh đã tiến hành rà soát, phân loại, xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan và xây dựng kế hoạch CPH. Một số DN đã xây dụng, ban hành mới hoặc hoàn thiện hệ thống quy chế quản trị nội bộ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN. Tuy nhiên, ông Y Dhăm Ênuôl cho rằng, để việc thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới DNNN trên địa bàn tỉnh đạt tiến độ, hiệu quả như mục tiêu đề ra, cần có cơ chế đặc thù đối với Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, bởi hầu hết DNNN tại khu vực Tây Nguyên đều hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Đối với các DN sản xuất, kinh doanh cà phê trong quá trình CPH việc xử lý công nợ tồn tại trong các hợp đồng khoán, liên kết sản xuất giữa DN và người lao động còn phức tạp, việc xử lý kéo dài do các bên không thống nhất được các khoản thu trong hợp đồng khoán, liên kết. Trong khi đó, đối với các công ty lâm nghiệp việc đo đạc diện tích, cắm mốc ranh giới đòi hỏi rất nhiều kinh phí. Hơn nữa hầu hết diện tích chồng lấn của các đơn vị này đều có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Tại hội nghị đánh giá tình hình tái cơ cấu DNNN mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp thu khó khăn của các địa phương, nhất là về mặt cơ chế để tạo điều kiện cho các DN thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, CPH phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, quyết tâm cao của địa phương, kỳ vọng việc tái cơ cấu DNNN sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian đến.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.