Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Tul với nỗi lo mất mùa cà phê

11:19, 20/11/2015
Ea Tul là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn của huyện Cư M’gar với hơn 4.290 ha, trong đó có hơn 4.256 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Hiện nay, nhân dân trên địa bàn xã đang tiến hành thu hoạch cà phê niên vụ năm 2015 - 2016. Tuy nhiên, do tình hình hạn hán gay gắt kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây cà phê khiến năng suất, sản lượng cà phê của xã giảm so với những năm trước.

Gia đình anh Ama Môn ở buôn Knia, xã Ea Tul có 1,1 ha cà phê. Những năm qua, gia đình anh luôn thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật về chăm sóc, bón  phân, tỉa cành hợp lý cho cây cà phê nên năng suất cà phê của gia đình anh đạt cao, dao động từ 6-7 tấn. Năm nay, do hạn hán kéo dài, dù các kỹ thuật chăm sóc cà phê vẫn được bảo đảm nhưng thiếu nước tưới nên năng suất cà phê của gia đình anh giảm mạnh. Ama Môn cho hay: “Trong vụ cà phê năm nay, gia đình tôi đã đầu tư khoảng 85 triệu đồng để mua phân bón, thuốc trừ sâu, đào giếng để có nguồn nước tưới cho cây cà phê, nhưng hạn hán kéo dài, nước tưới không bảo đảm nên năng suất chỉ đạt từ 4,5-5 tấn, hạt cà phê lại nhỏ hơn so với các năm trước”. Gia đình Ama Thuyết ở buôn Knia cũng có 1,2 ha cà phê, bình quân hằng năm cho năng suất đạt 3,5 tấn. Năm nay, hạn hán kéo dài cùng với diện tích cà phê của gia đình được trồng từ những năm 1990 đã già cỗi nên năng suất giảm mạnh, ước tính chỉ đạt khoảng 2,5 tấn. Chi phí đầu tư gần 50 triệu đồng, nhưng do mất mùa, giá cà phê lại xuống thấp nên năm nay gia đình anh xác định không có lãi, chỉ vừa đủ chi phí cho sản xuất.

Ông Y Đức Ayun, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul cho biết, do thời tiết hạn hán vào đầu vụ ra hoa nên cà phê của xã giảm năng suất khoảng 20-30%, năng suất ước đạt khoảng 25-28 tạ/ha. Người dân còn lo lắng hơn khi giá cà phê đang giảm mạnh trong khi đó, giá nhân công, vật tư tăng cao.  Bên cạnh đó, xã Ea Tul có tới 770 ha cà phê đã già cỗi mà việc tái canh còn chậm, tình hình sâu bệnh hại như: rệp sáp, rỉ sắt, khô cành, sâu đục thân… vẫn còn diễn ra”.

Trước thực trạng sản xuất cà phê đang gặp nhiều khó khăn, UBND xã phối hợp với các ban, ngành chức năng đã khuyến cáo bà con nông dân trồng cà phê cần áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất; tích cực chuyển đổi diện tích cà phê ngoài vùng quy hoạch, không chủ động được nước tưới sang trồng các loại cây khác, đưa các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, cao như: bơ Booth, sầu riêng, mít nghệ… vào trồng xen trong các vườn cà phê đê tăng thêm thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Đồng thời, vận động bà con sớm thanh lý những vườn cây già cỗi sang trồng các giống cà phê mới có năng suất cao như TR4, TR5, TR6… để bảo đảm sản lượng trong các niên vụ tới.

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.