Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng giống ngô biến đổi gen

08:42, 27/11/2015

Ngô là cây lương thực quan trọng thứ hai sau lúa, có khả năng thích ứng với nhiều vùng sinh thái khác nhau, đa dạng về mùa vụ, hệ thống canh tác và là cây trồng xóa đói giảm nghèo đối với nhiều gia đình ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, do đặc thù khí hậu của vùng nhiệt đới gió mùa cao nguyên khiến dịch bệnh cũng như cỏ dại trên chân ruộng phát triển mạnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng ngô hạt.

Tiết kiệm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng sản lượng, hạ giá thành sản xuất ngô, vụ hè thu năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam trồng khảo nghiệm diện rộng giống ngô biến đổi gen NK67 Bt/GT (giống nền đối chứng NK67) và NK7328 Bt/GT (giống nền đối chứng NK7328) kháng sâu đục thân và chống chịu thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất glyphosate. Mô hình khảo nghiệm được thiết kế theo kiểu lô rộng, diện tích mỗi giống biến đổi gen là 0,75 ha, diện tích mỗi giống nền là 0,25 ha tại gia đình ông Hàn Văn Thực (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ). Ông Thực cho biết, nếu trồng bắp lai nông dân phải phun thuốc 2 lần (phun 10 ngày sau gieo để trừ sâu khoang, diệt cỏ dại và phun 30 ngày sau gieo phòng trừ sâu đục thân và cỏ dại), trong khi đó, ngô biến đổi gen không cần phun thuốc trừ sâu mà chỉ cần phun thuốc trừ cỏ 1 lần ở thời điểm 30 ngày sau gieo nên tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, nhân công chăm sóc và giảm thiểu tác động môi trường nhờ lượng thuốc hóa học phun xuống đất giảm. Cùng với đó, khả năng kháng sâu đục thân của ngô biến đổi gen tốt hơn nên tỷ lệ đổ gãy ít, chiều cao cây, chiều cao đóng trái có xu hướng cao hơn và bắp cũng to đều hơn, hạt đóng múp đầu trái nên số lượng hạt nhiều, đều và đẹp hơn. Do đó, năng suất trung bình của giống biến đổi gen NK67 Bt/GT đạt 10,51 tấn/ha (tăng 16,3% so với giống nền), NK7328 Bt/GT là 10,73 tấn/ha (tăng 17,8%), lợi nhuận của người nông dân cũng tăng theo từ 8-10 triệu đồng/ha.

Cán bộ khuyến nông tỉnh tham quan mô hình ngô biến đổi gen tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ
Cán bộ khuyến nông tỉnh tham quan mô hình ngô biến đổi gen tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ

Sâu đục thân là đối tượng dịch hại nguy hiểm, có mặt ở hầu hết các vùng trồng ngô trên cả nước. Sâu cắn phá ở hầu hết các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây, gây thiệt hại trực tiếp đến năng suất và chất lượng nông sản. Việc quản lý đối tượng sâu hại này rất khó khăn, đặc biệt giai đoạn trổ cờ phun râu, do cây ngô vươn cao nên rất khó để phun các loại thuốc BVTV. Do đó, ngô chuyển gen kháng được sâu đục thân, chống chịu được thuốc diệt cỏ đang mở ra nhiều hy vọng cho người nông dân cũng như triển vọng mới cho ngành nông nghiệp trong tương lai.

Thận trọng không thừa

Đầu năm nay, Bộ NN-PTNT chính thức công nhận 3 giống ngô biến đổi gen mang tên NK66 BT (mang sự kiện chuyển gen Bt11), NK66 GT (mang sự kiện chuyển gen GA21) và NK66 Bt/GT (mang sự kiện chuyển gen Bt11 và GA21) của Công ty Syngenta Việt Nam tạo ra từ giống nền NK66. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học và cơ quan chức năng thì với cây trồng biến đổi gen, việc thận trọng là không thừa. Ông Ngô Nhân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, mô hình ngô biến đổi gen do Trung tâm phối hợp với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam thực hiện thành công đã mở ra bước ngoặt mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Quá trình theo dõi, giám sát mô hình chưa xuất hiện hiện tượng, đối tượng sâu hại nào đáng nghi ngại, các sản phẩm ngô hạt được phía Công ty thu mua hoàn toàn. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải thận trọng từng bước nghiên cứu, khảo nghiệm giống trước khi xuất bán đại trà. Mặt khác, đến nay ngô giống biến đổi gen chưa có giá thương mại cụ thể trên thị trường nhưng chắc chắn sẽ cao hơn ngô lai. Vì vậy các bà con nông dân ở vùng sâu, vùng xa sẽ khó tiếp cận được giống mới này khi chúng chưa được buôn bán, kinh doanh đại trà.

Sinh vật biến đổi gen (GMO) là các sinh vật mang vật liệu di truyền (DNA) đã được biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người (công nghệ di truyền) và không theo cách thức thông thường diễn ra trong tự nhiên.  Mục tiêu ban đầu của cây trồng này là cải thiện khả năng chống chịu sâu hại, giảm sử dụng thuốc diệt cỏ. Gần đây, người ta phát triển cây  trồng biến đổi gen nhằm mục tiêu cải tiến hàm lượng dinh dưỡng nông sản cho người nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo, cải tiến tính chống chịu stress trong tự nhiên do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Năm 2014, giá trị cây trồng biến đổi gen đạt 15,7 tỷ USD, chiếm 22% giá trị nông sản toàn cầu và 35% giá trị hạt giống; có 28 nước trồng cây biến đổi gen với 181,5 triệu ha, tập trung ở Mỹ, Argentina, Ấn Độ và Canada… Hiện nay, trên thế giới cây trồng biến đổi gen vẫn là đề tài gây nhiều tranh luận trong công chúng và các nhà chuyên môn, nhiều nước không chấp nhận sản phẩm biến đổi gen, nhiều nước trồng cây biến đổi gen nhưng không tiêu thụ trong nước mà chủ yếu để xuất khẩu. Nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU và Nhật Bản, trong khi đó các nước này không chấp nhận các sản phẩm biến đổi gen. Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo cần phải thận trọng khi đưa các giống cây biến đổi gen vào sản xuất đại trà, tránh đánh mất thị trường truyền thống của mình.

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.