Multimedia Đọc Báo in

Đổi đời trên vựa lúa Buôn Trấp

16:04, 05/01/2016

Sau ngày giải phóng, Buôn Trấp còn là vùng đất hoang hóa, sình lầy, bây giờ đã trở thành vựa lúa lớn của tỉnh, đem đến cuộc sống ấm no cho người dân bên bờ sông Krông Ana.

Những năm cuối thập niên 1970, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã phát động phong trào khai hoang xây dựng cánh đồng để tạo nguồn lương thực và đưa người dân từ nơi khác đến xây dựng kinh tế mới, trong đó, Buôn Trấp là một trong những nơi được chọn thực hiện. Ít ai ngờ được rằng vùng đất ấy bây giờ là một vựa lúa thẳng cánh cò bay nối liền từ huyện Krông Ana sang huyện Lắk và trải dài đến Krông Nô – tỉnh Đắk Nông. Nhiều người từ các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình đến vùng này trồng lúa và đang có được cuộc sống ổn định trên quê hương mới. Về cánh đồng Buôn Trấp những ngày này, bà con nông dân đang hối hả làm đất, sạ lúa vụ đông xuân; trên tuyến đường từ thị trấn Buôn Trấp đi các xã Bình Hòa, Quảng Điền hay sang Dur Kmăl, tiếng máy làm đất xình xịch trên đồng. Nghỉ giải lao bên đám ruộng vừa làm đất xong, bà Nguyễn Thị Nga ở thôn 3, thị trấn Buôn Trấp cho biết, gia đình có 2,5 ha lúa, trong đó, 1 ha chuẩn bị sạ bằng giống lúa chất lượng cao VS1, diện tích còn lại thuộc khu vực đất cao thì đang chờ nước về xuống giống lúa chịu hạn ngắn ngày ML48. Còn ông Đỗ Đình Tiên (tổ dân phố Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp) có 3 ha lúa đang chuẩn bị sạ. Vụ trước, lúa không bị bệnh, năng suất đạt 9 tấn/ha, gia đình ông thu được hơn 25 tấn lúa, với giá bán 6000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu được 100 triệu đồng. Ông quê ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, cả gia đình dắt díu nhau vào đây trồng lúa từ khi cánh đồng này còn sơ khai, gần 30 năm gắn bó với cây lúa, gia đình ông đã có cuộc sống khấm khá, gần 20 ha lúa ông chia chác hết cho các con, chỉ để lại một ít làm…cho vui. Không những thế, kỹ năng trồng lúa bây giờ cũng đã lão luyện. Ông Tiên chia sẻ, ngoài việc làm đất kỹ, bón lót đầy đủ, cân đối thì phải sạ đúng lịch thời vụ, đúng kỹ thuật thì lúa mới đẻ nhánh, ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao.

                Nông dân  xã  Quảng Điền, huyện  Krông Ana thu hoạch lúa  trên  cánh đồng Buôn Trấp.
Nông dân xã Quảng Điền, huyện Krông Ana thu hoạch lúa trên cánh đồng Buôn Trấp.

Tại cánh đồng A của Hợp tác xã Điện Bàn (xã Quảng Điền), người dân cũng đang tất bật làm đất chuẩn bị sạ lúa. Ông Huỳnh Đức Quốc, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Đang vào mùa sạ lúa, hầu như nhà nào cũng đóng cửa vì bà con ở hết ngoài đồng, những người có ruộng ở xa nhà thì dựng lều, ăn cơm tại chỗ để làm cho kịp thời vụ”. Thấy có khách, anh Nguyễn Chính (thôn 2) tắt máy làm đất và lên bờ vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Anh quê ở Quảng Nam cùng gia đình vào đây sinh cơ lập nghiệp, khi cưới vợ hơn 10 năm trước thì ra riêng với 3 sào ruộng cha mẹ để lại. Nhờ chăm chỉ làm ăn, anh dành dụm mỗi năm mua thêm đất ruộng canh tác. Đến nay, anh có gần 2 ha đất lúa 2 vụ, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Từ chỗ là một hộ nghèo, bây giờ anh đã có nhà cửa khang trang, sắm được máy cày, máy gặt phục vụ sản xuất.

Phòng NN – PTNT huyện Krông Ana cho biết, lúa nước là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, tập trung nhiều nhất tại thị trấn Buôn Trấp, xã Bình Hòa, Quảng Điền, Dur Kmăl và Đray Sáp. Cánh đồng Buôn Trấp canh tác được 2 vụ, mỗi năm thu được hàng chục ngàn tấn lúa,

đem lại thu nhập cao cho người dân, trong đó, có những hộ mỗi năm thu được hàng trăm tấn lúa. Vụ đông xuân 2015 – 2016, huyện có kế hoạch gieo trồng 5.207 ha lúa nước bằng các loại giống lúa xác nhận, có khả năng chống rầy nâu, đạo ôn và có năng suất cao. Để nâng cao năng suất, sản lượng, huyện xác định chỉ đưa ra kế hoạch gieo trồng trên những khu vực chủ động nước tưới, khuyến khích người dân tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận, lúa lai, chuyển những diện tích thường bị khô hạn sang trồng loại cây khác, thâm canh tăng năng suất, xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Ngành nông nghiệp huyện đang chỉ đạo bà con đẩy nhanh tiến độ làm đất, xuống giống cho một vụ lúa thành công. Hiện, địa phương cũng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu lúa gạo, nhằm nâng cao giá trị cho hạt gạo Krông Ana và tăng thu nhập cho người nông dân.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc