Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Cư M'gar

08:46, 18/01/2016

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất theo hướng đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả đã góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình, địa phương từng bước phát triển.

Những mô hình điểm

Đến thăm mô hình trồng gấc của gia đình chị Lê Thị Hậu ở buôn B’ling, xã Cư M’gar mới thấy giá trị cũng như sự thích nghi của cây gấc trên vùng đất này. Trước đây, gia đình chị trồng 1 ha cà phê, nhưng do cây đã già cỗi nên năng suất ngày càng giảm, hiệu quả kinh tế thấp, mỗi năm chỉ thu lãi chừng 20 triệu đồng. Đầu năm 2015, chị đã mạnh dạn đầu tư 40 triệu đồng mua trụ xi măng, dây thép làm giàn, phân bón và giống gấc cao sản để chuyển đổi thử nghiệm 5 sào cà phê sang trồng gấc. Hiện, gấc đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Vụ đầu tiên này (thu đến tháng 2-2016 âm lịch) chị Hậu ước tính sẽ đạt khoảng 10 tấn quả. Chị Hậu cho biết, đây là loại cây trồng dễ chăm sóc, không đòi hỏi kỹ thuật cao và phát triển khá tốt ngay cả trên những vùng đất sỏi đá, bạc màu. Quan trọng nhất là phải làm giàn chắc chắn, bón phân đầy đủ từng giai đoạn cho cây và chủ động phòng trừ nấm hại thì gấc mới cho năng suất cao. Cây gấc chỉ trồng năm đầu và thu nhiều năm sau mà không cần phải trồng mới. Sau mỗi vụ thu hoạch thì tiến hành cắt dây, chừa lại một đoạn gốc dài từ 40 - 60 cm trên mặt đất, sau đó đào hố xung quanh gốc bón phân và tưới nước để gốc tái sinh chồi mới. Nếu điều kiện khí hậu thuận lợi và được chăm sóc tốt, 1 ha gấc sẽ thu hoạch được 20 tấn trong năm thứ nhất, 40 tấn trong năm thứ hai và thứ ba trở đi. Với giá thị trường như hiện nay khoảng 7.000 đồng/kg, thì 5 sào gấc của chị thu lãi khoảng 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cây lúa, cà phê và một số loại cây trồng khác. Sắp tới chị sẽ tiếp tục chuyển đổi 5 sào cà phê còn và tận dụng triệt để diện tích đất trống trong vườn như bờ ao, góc vườn… để trồng gấc.

Chị Lê Thị Hậu ở buôn B’ling, xã Cư M’gar bên giàn gấc sai trĩu quả của gia đình.
Chị Lê Thị Hậu ở buôn B’ling, xã Cư M’gar bên giàn gấc sai trĩu quả của gia đình.

Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Lương ở thôn Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk có hoàn cảnh khó khăn. Kinh tế chủ yếu trông chờ vào 2,5 sào đất sỏi bạc màu trồng các loại cây ngắn ngày như rau xanh, ngô và đậu, đỗ. Năm 2010, trong lần về thăm quê ở huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), thấy một số bà con trồng hoa hòe (cây thân gỗ trồng lấy nụ hoa làm dược liệu) đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với mọi loại đất cằn nên bà Lương đưa khoảng 20 cây giống vào trồng thử. Sau 1 năm, cây hoa hòe trên đất mới phát triển khá tốt, cho hoa dày nên bà quyết định chiết cành nhân rộng ra khắp vườn. Bà Lương cho hay, trồng hòe không tốn công chăm sóc lại ít sâu bệnh. Mỗi năm, chi phí mua đạm, thuốc sâu cho mỗi gốc hòe hết khoảng 30.000 - 40.000 đồng, nhưng tiền bán nụ hoa thu về lên đến 700.000 đồng/cây. Hiện nay, khoảnh vườn của bà Lương có trên 300 gốc hòe trưởng thành. Bình quân 2 ngày bà lại thu hái nụ hoa một lần, đem phơi khô được 6-8 kg. Với giá bán mà tư thương đến tận nơi thu mua hiện tại là 60.000 đồng/kg, mỗi năm bà Lương thu lãi chừng 200 triệu đồng. Dưới tán cây hoa hòe, bà Lương còn trồng thêm các loại rau xanh. Mô hình này không chỉ giúp rau luôn xanh tốt nhờ tán hoa hòe che mát mà lượng phân mỗi lần bón rau cũng không thất thoát lãng phí. Mỗi tháng bà thu lợi thêm từ rau bình quân 5 - 6 triệu đồng.

Mô hình trồng cà phê xen canh bơ của hộ anh Phạm Văn Bình ở thôn Tân Lập, xã Ea Kpam cũng là điển hình tiêu biểu nông dân sản xuất giỏi. Trước đây, với 5 sào cà phê, mỗi năm anh Bình thu chừng 80 triệu đồng, chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình mà không có tích lũy. Năm 2007, anh quyết định đầu tư 10 triệu đồng mua 70 cây bơ booth7 giống trồng xen trong vườn cà phê. Anh Bình cho biết, hằng năm, cứ vào mùa khô thì nhiều diện tích cà phê lại lâm vào tình trạng “khát nước”, thậm chí bị chết khô. Do đó, việc trồng xen bơ trong vườn cà phê là giải pháp hữu hiệu giúp tăng độ ẩm vườn cây chống chọi với nắng hạn. Hiện nay vườn bơ của anh Bình cho năng suất đến 3- 4 tấn/vụ (mỗi năm 2 vụ). Với mức giá dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, mỗi năm anh có thu nhập thêm từ 150 triệu đồng từ vườn bơ. Trong khi đó, việc chăm sóc cây bơ khá đơn giản, ít tốn kém. Được sự che chắn của cây bơ, vườn cà phê cũng cho năng suất ổn định hơn.

Thúc đẩy kinh tế địa phương

Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, là huyện thuần nông, nên đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó, cây lúa, cà phê, cao su là những loại cây trồng chủ lực của địa phương. Những năm trước đây, do bà con sử dụng các loại giống cây trồng truyền thống, lại canh tác cả ở vùng có thổ nhưỡng không phù hợp nên năng suất và hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng giá cả thị trường nên nguồn thu nhập của người dân rất bấp bênh. Để thay đổi cách nghĩ, cách làm nhằm xây dựng những mô hình kinh tế mới, đạt hiệu quả, những năm qua, các ngành chức năng của huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn cây giống phù hợp để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Mặt khác, ngành nông nghiệp huyện cũng thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người dân; hỗ trợ cây giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách huyện và chương trình mục tiêu quốc gia; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân... Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh; ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Lương ở thôn Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk đang thu hoạch hoa hòe.
Bà Nguyễn Thị Lương ở thôn Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk đang thu hoạch hoa hòe.

Có thể thấy, hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Cư M’gar thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nâng cao nguồn thu nhập bình quân của người dân lên đáng kể. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 29 triệu đồng/người/năm (tăng 1,75 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 8,3% (giảm trên 3%/năm). Ông Phạm Quang Mười cho biết, thời gian tới, huyện Cư M’gar đang tiếp tục tập trung rà soát, mở rộng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tuyên truyền, vận động người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, tuân thủ các cam kết, quy trình trong sản xuất; đồng thời triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với thị trường hàng hóa, dịch vụ, có đầu ra ổn định cho nông sản.

 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc