Huy động vốn đầu tư: Những giải pháp trọng tâm tháo gỡ "nút thắt"
Thu hút đầu tư là mục tiêu, nhiệm vụ rất quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội; tuy nhiên, trong nhiều năm qua việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng, kết quả và chất lượng chưa cao. Để giải quyết có hiệu quả những “nút thắt” này cần có nhiều biện pháp mang tính hệ thống, đồng bộ...
Huy động vốn đầu tư xã hội đạt thấp
Trong những năm qua, việc huy động vốn đầu tư vào nền kinh tế cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Nguồn vốn đầu tư và cơ cấu đầu tư trên địa bàn tỉnh từng bước thực hiện hợp lý theo các nhiệm vụ mục tiêu phát triển trọng tâm: Vốn ngân sách, vốn ODA, NGO tập trung đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phúc lợi công cộng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; vốn tín dụng đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhân dân và vốn FDI đầu tư phát triển chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến. Vốn đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm 31,9%; công nghiệp và xây dựng chiếm 26,8%; thương mại, dịch vụ chiếm 41,3%. Các nguồn vốn trên đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển với tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm (giá so sánh 1994) bình quân hằng năm giai đoạn 2011-2015 ước đạt 8%; quy mô nền kinh tế năm 2015 (theo giá so sánh 1994) ước đạt 18.520 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2010...
Việc huy động vốn đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kết cấu hạ tầng. Trong ảnh: Một góc trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Kinh tế và Ngân sách - HĐND tỉnh tại Kỳ họp bất thường HĐND tỉnh khóa VIII vừa diễn ra, huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011-2015 còn đạt thấp. Tổng vốn đầu tư 5 năm 2011-2015 ước đạt khoảng 61,85 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân mỗi năm 9,3%, bằng 24,9% GRDP theo giá hiện hành (kế hoạch 5 năm từ 33-34% GRDP). Theo cơ cấu, vốn nhà nước chiếm 30,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, vốn khu vực ngoài nhà nước chiếm 66,4%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 3,1%, song thực tế chủ yếu từ nguồn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách; các nguồn vốn huy động từ đầu tư nước ngoài, tỉnh ngoài và tái đầu tư của các doanh nghiệp trong tỉnh còn hạn chế. Cơ cấu đầu tư chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất kinh doanh có lợi thế như nông – lâm nghiệp, thương mại và dịch vụ. Bên cạnh đó, công tác vận động và thu hút các dự án đầu tư, số lượng dự án trọng điểm, quy mô lớn còn ít; việc thu hút lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực còn hạn chế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư còn phiền hà, chưa kịp thời điều chỉnh một số vướng mắc trong thu hút đầu tư như: danh mục kêu gọi đầu tư, đơn giá cho thuê đất chậm được khắc phục; công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư chưa được quan tâm đúng mức...
Giải pháp tháo gỡ “nút thắt”
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng giai đoạn 2016-2020 vừa được HĐND tỉnh thông qua, dự kiến vốn đầu tư toàn xã hội đặt ra trong giai đoạn này là 150-151 nghìn tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn và là cơ sở quan trọng để hoàn thành mọi mục tiêu nhiệm vụ đặt ra. Điều này cũng đòi hỏi phải có nhiều chủ trương, biện pháp thiết thực và hiệu quả để thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Theo đó, một trong những giải pháp tiên quyết được đưa ra đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường thực sự thông thoáng, ổn định, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để mọi tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; khắc phục tình trạng không minh bạch, thiếu đồng bộ, nhất quán trong quản lý, đầu tư công. Bên cạnh đó là việc triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích đầu tư do Trung ương ban hành, đặc biệt là các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Làm đường giao thông nông thôn tại huyện Ea H’leo. Ảnh: Hoàng Gia |
Tăng cường quản lý nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương, trái phiếu chính phủ, ngân sách địa phương), tiếp tục rà soát các dự án đầu tư không hiệu quả, chưa thật sự cấp bách để hoãn, giãn tiến độ, kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng, mang tính động lực, thúc đẩy cho phát triển kinh tế - xã hội. Huy động, tranh thủ tốt vốn ODA, NGO, đặc biệt từ các nhà tài trợ lớn, truyền thống như DANIDA, JICA, ADB, KOICA, WB... Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách huy động vốn từ quỹ đất; đẩy mạnh hình thức xã hội hóa trong các lĩnh vực: giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao, môi trường...; hợp tác đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng theo các hình thức hợp đồng BOT, BTO, PPP theo quy định của Nhà nước, đặc biệt lưu ý đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường... Tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, về cơ chế chính sách, để thu hút nhiều nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến; chú trọng thu hút vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao...
Tin tưởng rằng, với những giải pháp trọng tâm mang tính đồng bộ, hệ thống nói trên cùng quyết tâm triển khai thực hiện của các cấp, các ngành sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, qua đó huy động được nguồn lực đầu tư lớn từ nhiều hình thức, từ nhiều dòng vốn, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc