Agribank Đắk Lắk, một năm nỗ lực cùng toàn hệ thống thực hiện tái cơ cấu
Năm 2015 với Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) là một năm để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động kinh doanh. Điểm nhấn đáng ghi nhận nhất là nỗ lực vượt bậc của Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ viên chức Agribank Đắk Lắk trong việc thực hiện tái cơ cấu, tạo môi trường thuận lợi để chuyển tải đồng vốn đến với nông dân, tiếp tục cuộc “ đồng hành ” thủy chung cùng nông dân tỉnh nhà và chung tay cùng các ngành các cấp xây dựng nông thôn mới.
Mạnh dạn tái cơ cấu
Tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng là một bộ phận quan trọng, là “nút thắt” trong tái cơ cấu nền kinh tế và hơn một lần được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Là ngân hàng thương mại duy nhất 100% vốn Nhà nước hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh, năm 2015 Agribank Đắk Lắk đã thực hiện đề án tái cơ cấu với những dấu ấn quan trọng, hoàn thành hầu hết các mục tiêu đề ra. Đến thời điểm này Agribank Đắk Lắk đã chấm dứt hoạt động 14 phòng giao dịch, trong đó 6 phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh loại I và 8 phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh loại III (từ 51 đầu mối chi nhánh, phòng giao dịch vào tháng 6-2014 nay chỉ còn 37). Cùng với việc sắp xếp lại mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, các phòng chuyên môn nghiệp vụ tại Hội sở tỉnh cũng được bố trí, sắp xếp lại phù hợp với nhiệm vụ kinh doanh. Giám đốc Agribank Đắk Lắk Trần Đình Chánh cho biết, dù biết sẽ không tránh khỏi những áp lực nhưng để nâng cao hiệu suất công việc, đơn vị vẫn mạnh dạn tổ chức lại bộ máy hoạt động. Qua việc làm trên đã dôi ra gần 100 lao động để bố trí cho các đơn vị ở địa bàn nông thôn, giải quyết được một phần tình trạng thiếu lao động ở các chi nhánh hoạt động kinh doanh trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Agribank chi nhánh Lê Thánh Tông được sáp nhập từ chi nhánh Kim Ngân và PGD Đại Tín là điển hình trong tái cơ cấu của Agribank Đắk Lắk. |
Bên cạnh tái cơ cấu hệ thống, Agribank Đắk Lắk còn tích cực tái cơ cấu lại nguồn vốn. Cũng như các định chế tài chính trung gian khác, Agribank Đắk Lắk hoạt động trên nguyên tắc đi vay để cho vay. Bởi vậy, để có nguồn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, trong năm qua Agribank Đắk Lắk đã đẩy mạnh công tác huy động vốn từ dân cư, kết hợp nguồn vốn vay khác để cân đối đủ vốn cung ứng cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2015, nguồn vốn huy động đạt 6.986 tỷ đồng, tăng tuyệt đối so năm 2014 là 446 tỷ đồng. Trong đó huy động từ dân cư đạt 6.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 90% trên tổng nguồn vốn huy động của đơn vị. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn thì những kết quả mà Agribank Đắk Lắk đạt được trong huy động vốn là rất đáng ghi nhận.
Tích cực xử lý nợ xấu
Xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong số các mục tiêu của đề án tái cơ cấu, Agribank Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng, từng bước kiềm chế và giảm dần nợ xấu. Các giải pháp được chi nhánh áp dụng đó là: tăng cường cán bộ hỗ trợ các chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu cao; Ban Giám đốc được phân công làm việc tại từng chi nhánh, thực hiện phân tích từng khoản nợ có vấn đề, làm việc với từng khách hàng để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng, quyết định phương án xử lý nợ đảm bảo hài hòa lợi ích, từ đó động viên khách hàng hợp tác trả nợ vay. Agribank Đắk Lắk cũng luôn chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, đặc biệt là khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Nhờ đó chất lượng tín dụng được cải thiện và ngày càng đi vào thực chất hơn. Về vấn đề này, ông Trần Đình Chánh cho biết, trước đây nợ xấu thực chất của đơn vị là trên 10%, đây là hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng. Mặc dù nợ xấu rất lớn, nhưng với những giải pháp phù hợp, đến hết năm 2015 nợ xấu chỉ còn dưới 2,7% trên tổng dư nợ, đạt mục tiêu đề ra theo lộ trình tái cơ cấu.
Để tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò chủ lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đối tượng phục vụ chủ yếu là hộ nông dân, năm 2015 Agribank Đắk Lắk đã tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng phục vụ “tam nông ”. Đến hết năm 2015 tổng dư nợ cho vay đạt 10.904 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn lên tới gần 10.000 tỷ đồng, với hơn 72.000 hộ gia đình, cá nhân được vay vốn, chiếm 93% trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và trên 95% số khách hàng vay vốn. Thị phần tín dụng vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định với tỷ trọng thường xuyên dao động từ 22% đến 24% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Dịch vụ ngân hàng có bước phát triển khá với doanh thu đạt 40 tỷ đồng, tăng so năm 2014 là 5,7 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 18%. Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, Agribank Đắk Lắk còn thể hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp với sự nghiệp an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, với các hoạt động có ý nghĩa như: Nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nhà Tình nghĩa cho đối tượng chính sách, kết nghĩa với buôn đồng bào dân tộc thiểu số, tài trợ học bổng “Tiếp sức cho trẻ em nghèo đến trường”… với tổng trị giá các hoạt động nêu trên của đơn vị trong năm 2015 là trên 3 tỷ đồng. Đó là những kết quả hết sức tích cực trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.
Giang Nam - Quốc Lương
Ý kiến bạn đọc