Kinh tế - xã hội Việt Nam 2015 qua đánh giá của bạn bè thế giới
Mặc dù an ninh thế giới biến động khó lường song kinh tế-xã hội Việt Nam 2015 vẫn phát triển ổn định. Đó là đánh giá chung của nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF 2015) tổ chức đầu tháng 12 vừa qua. Nhân kết thúc năm 2015, xin giới thiệu một số đánh giá của bạn bè thế giới về thành tựu kinh tế - xã hội mà chúng ta đạt được trong năm qua.
Ngân hàng ADB: Kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển ổn định
Cuối tháng 9-2015, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố báo cáo cho biết kinh tế Việt Nam đang phục hồi và trên đà phát triển ổn định. Theo ADB, sở dĩ có được kết quả này là do ngành công nghiệp Việt Nam có mức tăng trưởng cao tới 9,1%, đóng góp gần một nửa cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Báo cáo của ADB đã nâng mức dự báo GDP của Việt Nam năm 2015 lên 6,5% so với 6,1% đưa ra trước đó. Theo dự báo mới này, năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,6%, so với dự báo trước đây là 6,2%, cao hơn tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam được xem là “ánh sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế mới nổi” |
Theo ADB, sản lượng khu vực công nghiệp của Việt Nam đang khởi sắc, nhờ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng cường sản xuất cho xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng đạt 6,6% nhờ có sự phục hồi nhẹ trên thị trường bất động sản và đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng. Lạm phát thấp cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ thích ứng. Trong năm nay, cơ quan quản lý chính sách tiền tệ đã duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,5% và lãi suất chiết khấu 4,5%. Lãi suất cho vay trung bình các ngân hàng thương mại đã giảm từ mức 17% năm 2012 nay xuống còn 9,5% (6 tháng đầu năm 2015). Xuất khẩu vẫn tăng trưởng với tốc độ tích cực, chủ yếu là nhờ khối lượng xuất khẩu hàng hóa chế tạo tăng tới gần 25%, bao gồm các mặt hàng điện tử, may mặc, giày dép.
Hãng Reuters/BBC: Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 3,6%
Đầu tháng 12-2015, hãng tin Anh BBC và Reuters cùng đưa tin cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng 2015 (tính đến tháng 11) tăng khoảng 3,6% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 6,24 triệu tấn. Dự kiến tính cả lượng gạo xuất khẩu trong tháng 12, thì xuất khẩu gạo cả năm của Việt Nam có thể đạt trên 6,5 triệu tấn (chưa tính lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch). Do thị trường biến động, giá giảm mạnh nên doanh thu không cao bằng năm kỷ lục 2012 (xuất khẩu đạt 8 triệu tấn), chỉ đạt 2,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ 2014. Trung Quốc là một trong số những bạn hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, đã mua của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2015 gần 1,6 triệu tấn gạo, tăng 42% so với năm trước. Ngoài ra Philippines và Indonesia cũng là những nước nhập khẩu nhiều gạo của Việt Nam.
Năm 2015, lần đầu tiên Việt Nam có loại gạo được Tổ chức nghiên cứu lúa gạo thế giới công nhận lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị gạo thế giới ở Malaysia hồi cuối tháng 10-2015. Đó là loại gạo mang tên Hạt ngọc trời số 3, được sản xuất từ giống lúa Lộc trời số 1 (tên cũ là AGPPS 103) của Tập đoàn Lộc Trời (trước đây là Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang). Tại vòng chung kết, loại gạo thơm California của Mỹ đoạt giải gạo ngon nhất thế giới và đứng thứ nhì là loại gạo Jasmine của Campuchia. Hiện tại Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ, Thái Lan.
Báo Anh/Mỹ: Tiềm năng du lịch của Việt Nam còn rất lớn
Đánh giá về tiềm năng du lịch của Việt Nam, báo chí Anh đã đăng nhiều bài viết nói về thế mạnh ngành công nghiệp không khói này. Hãng BBC ca ngợi Côn Đảo của Việt Nam từ “địa ngục trần gian” nay trở thành “thiên đường du lịch”. Đến đây du lịch, người ta nhớ về quá khứ đau thương nhưng hào hùng của một dân tộc “thuần nông” nhỏ bé nhưng đã chiến thắng nhiều cường quốc ngoại xâm hùng mạnh. Phong cảnh hữu tình, người dân mến khách, địa danh chưa được khai thác nên rất hấp dẫn du khách thập phương, Côn Đảo hiện có khoảng 5.000 cư dân, 16 đảo nhỏ đẹp như bức họa đồ.
Hãng BBC (Anh) bầu chọn Sơn Đoònglà một trong những hang động đẹp nhất thế giới. |
Đầu tháng 9-2015, tạp chí danh tiếng Smithsonian của Mỹ đã bình chọn và công bố danh sách 25 điểm đến mới hấp dẫn nhất trong thế kỷ 21. Trong đó, hang Sơn Đoòng (Việt Nam) xếp vị trí đầu bảng, trước nhiều địa danh nổi tiếng khác như phòng thí nghiệm CERN (Thụy Sĩ); cảng vũ trụ America (Mỹ); vùng núi miền đông châu Phi; đài thiên văn ALMA (Chile); động băng Mendenhall (Mỹ); tàu lượn siêu tốc Ferrari World (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất)… Sơn Đoòng nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; dài gần 9 km, cao hơn 200 m (có nơi lên đến 250 m), rộng khoảng 200 m. Với kích thước đồ sộ, Sơn Đoòng trở thành hang động tự nhiên lớn nhất hành tinh tính đến thời điểm hiện nay. Năm 2011, hãng tin BBC (Anh) bầu chọn Sơn Đoòng là một trong những hang động đẹp nhất thế giới. Tờ New York Times xếp hang Sơn Đoòng vào vị trí thứ 8 trong danh sách 52 địa danh cần đến khi còn sống trên cõi đời. Đặc biệt, tháng 5 vừa qua, đài truyền hình ABC (Mỹ) đã phát sóng trực tiếp buổi ghi hình dài 2 giờ đồng hồ giới thiệu về hang Sơn Đoòng.
Cuối tháng 10-2015, tờ Telegraph của Anh đã liệt kê danh sách 25 điểm đến tuyệt vời cho du khách trong mùa đông năm nay, trong đó có Việt Nam bởi không chỉ có phong cảnh trữ tình mà còn có khí hậu ôn hòa, có lợi cho sức khỏe, nhất là cho du khách Âu - Mỹ để tránh cái lạnh giá buốt của mùa đông. Theo Telegraph, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn ở Viễn Đông, 1 trong số 25 điểm đến tràn ngập nắng gió dành cho du khách thập phương.
Ngân hàng ANZ/WB: Việt Nam, điểm sáng kinh tế của châu Á
“Việt Nam là một điểm sáng kinh tế của châu Á” là khẳng định trong báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam 2015 của ngân hàng ANZ công bố đầu tháng 11-2015. Theo báo cáo, trong khi kinh tế toàn cầu, kể cả Trung Quốc lẫn Mỹ, đều tăng trưởng chậm hơn thì Việt Nam vẫn là 1 trong 3 quốc gia châu Á cùng với Ấn Độ và Philippines hay nhóm kinh tế VIP (viết tắt Vietnam - India - Philippines) tăng trưởng ngoạn mục. Cũng theo ANZ, do giá dầu giảm mạnh nên châu Á bị ảnh hưởng song 3 quốc gia VIP nói trên lại ít bị ảnh hưởng hơn. Riêng Việt Nam, được xem là “ánh sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế mới nổi”. Sở dĩ Việt Nam làm được điều này là do sự đa dạng hóa các ngành kinh tế, nhất là thế mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, mặt hàng truyền thống như dệt may, dầu thô, thủy hải sản, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao được xem là chủ lực. Năm 2017, kinh tế Việt Nam được dự báo có thể tăng ở mức 7%, thậm chí 7,5%, thậm chí còn cao hơn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 2-12 khẳng định, kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh doanh bên ngoài và triển vọng trung hạn được đánh giá là tích cực. Theo đó, dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 đạt 6,5% và năm 2016 đạt 6,6%, với động lực phần lớn là do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân trong khi lạm phát lại ở mức thấp.
Nguyễn Duy Hùng (Theo Net/BBC/Reuterss/Teleghrap/ SC- 2015)
Ý kiến bạn đọc