Chuyển đổi mô hình các công ty lâm nghiệp: Rào cản và thách thức
Tiềm lực yếu, lại thiếu sự năng động, khả năng tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh, cùng với những hạn chế về cơ chế chính sách nên sau nhiều lần triển khai, việc chuyển đổi các công ty lâm nghiệp vẫn gần như “dẫm chân tại chỗ”...
“Xốc” lại hoạt động của các công ty lâm nghiệp
Ngày 15-10-2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp thuộc quản lý của UBND tỉnh Đắk Lắk, đã xác định loại hình doanh nghiệp (DN) của 25 đơn vị, trong đó có 15 công ty lâm nghiêp (LN). Theo đó, 6 công ty TNHH MTV LN thuộc diện duy trì, củng cố, phát triển Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích gồm: Krông Bông, M’Đrắk, Ea Kar, Buôn Wing, Chư Phả và Ea Wy; chuyển Công ty TNHH MTV LN Lắk thành Ban Quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập có thu; phối hợp với nhà đầu tư khác thành lập công ty TNHH 2 thành viên đối với 8 đơn vị gồm: Chư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ya Lốp, Ea H’mơ, Ea H’leo, Thuần Mẫn, Phước An, Buôn Ja Wầm. Trong số 6 công ty TNHH MTV LN thuộc diện duy trì, củng cố… nêu trên chỉ có một số đơn vị có thực lực, hoạt động sản xuất có lợi nhuận như: Krông Bông, M’Đrắk, Ea Kar, còn lại các DN: Buôn Wing, Chư Phả và Ea Wy tình hình tài chính khó khăn, vẫn đang trăn trở tìm kiếm hướng đi bền vững. Hiện tại, các đơn vị này đều đang xây dựng phương án “Duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” để trình Sở NN-PTNT phê duyệt. Đối với Công ty TNHH MTV LN Lắk, sau khi chuyển đổi thành Ban Quản lý rừng, Sở NN-PTNT sẽ chủ trì phối hợp cùng Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan xác định dự toán nguồn kinh phí cho đơn vị theo quy định. Bắt đầu tháng 1-2016, thành lập công ty TNHH 2 thành viên đối với 8 công ty: Chư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ya Lốp, Ea H’mơ, Ea H’leo, Thuần Mẫn, Phước An, Buôn Ja Wầm. Theo đó, các DN trên thực hiện lập phương án sử dụng đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, kiểm kê toàn bộ tài sản, vật tư, tiền vốn; chọn cơ quan có chức năng thẩm định giá, ký hợp đồng xác định giá trị thực tế phần vốn Nhà nước của công ty… Như vậy, Công ty TNHH MTV LN Rừng Xanh và Công ty TNHH MTV LN Chư Ma Lanh cùng phối hợp với Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH Tây Nguyên xây dựng phương án chuyển đổi để thành lập công ty TNHH 2 thành viên. Tương tự, đối với Công ty TNHH MTV LN Ya Lốp và Công ty TNHH MTV LN Ea H’mơ cùng phối hợp với Công ty Cao su Phước Hòa xây dựng phương án chuyển đổi để thành lập công ty TNHH 2 thành viên.
Chế biến gỗ rừng trồng tại Công ty TNHH MTV LN Phước An. |
Còn đó những ngổn ngang
Theo đánh giá của Ban Đổi mới DN tỉnh, việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến đất đai, lao động, hộ nhận khoán và tài sản trên đất... Theo Công văn số 1832/TTg-ĐMDN ngày 15-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ, thì mô hình các công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần. Do đó, khi thực hiện đề án các công ty cà phê còn lúng túng trong việc lựa chọn mô hình này (người nhận khoán sẽ phản ứng do lo ngại khi Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, cổ phần chính chủ yếu là tư nhân thì quyền lợi của người nhận khoán sẽ bị ảnh hưởng). Do vậy, để người dân nhận khoán yên tâm sản xuất, trước mắt khi cổ phần hóa các công ty, Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối trên 50% đến dưới 65% theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước, sau lộ trình 2-3 năm, các công ty cà phê được phép thoái vốn Nhà nước theo quy định thì sẽ thực hiện công ty cổ phần Nhà nước không giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần theo Khoản 2, Điều 5 tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đối tượng này gồm các công ty nông nghiệp: Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk; Cà phê - ca cao Tháng 10; SXKDTH Krông Ana; Cà phê Ea Pôk; Cà phê Thắng Lợi.
Đất rừng thuộc Công ty TNHH MTV Chư Ma Lanh quản lý bị người dân lấn chiếm trái phép. |
Riêng đối với công ty LN làm nhiệm vụ công ích bảo vệ rừng tự nhiên nghèo, rừng phòng hộ, trồng và chăm sóc rừng phòng hộ đầu nguồn, hiện tại đều rơi vào tình trạng thiếu vốn, vì vậy đề nghị Trung ương có kế hoạch, giải pháp bố trí kinh phí kịp thời để phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng từ ngân sách Nhà nước và từ dịch vụ môi trường rừng theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ, để các công ty có nguồn kinh phí kịp thời triển khai các giải pháp QLBV rừng, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại rừng đang diễn ra ngày một phức tạp và nghiêm trọng như hiện nay. Việc chuyển đổi mô hình còn gặp phải vướng mắc đó là tình trạng lấn chiếm đất rừng vẫn đang diễn ra phức tạp, khó khăn trong việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, vì vậy cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Bên cạnh đó, việc sắp xếp đổi mới còn gặp vướng mắc, khó khăn về công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới, Ban Đổi mới DN đã đề nghị Trung ương bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho tỉnh để thực hiện công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới các công ty TNHH MTV LN, đồng thời tăng đơn giá khoán quản lý bảo vệ rừng hằng năm. Mặt khác, để tạo điều kiện cho DN LN vốn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất như hiện nay, phía Ban Đổi mới DN cũng cho rằng, Chính phủ cần sớm bổ sung, hoàn thiện, ban hành các cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, tài chính và ban hành cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch hằng năm của Nhà nước đối với quản lý bảo vệ rừng tự nhiên để các công ty LN có cơ sở và kế hoạch thực hiện kịp thời... Đây cũng chính là giải pháp căn cơ để cùng “xốc” lại hoạt động của các công ty LN vốn gần như đang “rơi tự do”, làm ăn thua lỗ, bết bát như hiện nay.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc