Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả tích cực từ nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ cận nghèo

17:28, 16/03/2016
Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 16-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về vốn vay ưu đãi cho hộ cận nghèo, nhiều hộ cận nghèo tại TX. Buôn Hồ đã được tiếp cận, sử dụng vốn vay phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Trước đây, phần lớn các chính sách ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt là chương trình hỗ trợ vốn vay, chỉ dành cho đối tượng là hộ nghèo, trong khi đó hộ cận nghèo dù có thu nhập chẳng khá hơn hộ nghèo là mấy nhưng rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay vì không đáp ứng đủ điều kiện ngân hàng. Theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg, mỗi hộ cận nghèo được vay tối đa 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, kỳ hạn trả không quá 36 tháng. Đây thực sự là cơ hội để hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp đầu tư phát triển sản xuất.

Mô hình trồng tiêu xen cà phê của gia đình anh Nguyễn Trung Dũng.
Mô hình trồng tiêu xen cà phê của gia đình anh Nguyễn Trung Dũng.

Gia đình ông Y Blơm Bkrông (buôn Dlung 1B, phường Thống Nhất) có đến 14 người con trong khi đất sản xuất ít nên nhiều năm qua cả nhà ông chỉ đủ đắp đổi sinh sống qua ngày. 5 năm trước, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo nên được Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Buôn Hồ cho vay 8 triệu đồng để đầu tư chăm sóc cây trồng. Sau khi trả hết khoản tiền vay này, gia đình ông Y Blơm cơ bản thoát khỏi diện hộ nghèo nhưng thu nhập còn bấp bênh. Năm 2013, nhờ chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với hộ cận nghèo, gia đình ông tiếp tục được vay nguồn vốn ưu đãi với số tiền 30 triệu đồng, theo sự tư vấn của tổ vay vốn, gia đình ông đầu tư mua 2 con bò cái sinh sản. Nhờ chịu khó chăm sóc bò, biết tận dụng nguồn phế phẩm từ cây nông nghiệp nên sau 3 năm đàn bò của gia đình ông Y Blơm đã tăng lên 8 con với tổng trị giá trên 100 triệu đồng, ông đã xuất bán 1 con thu về 20 triệu đồng. Ông còn tận dụng được phân bò để bón cho 3 sào cà phê, giảm chi phí đầu tư cho vườn cây. Cuộc sống của gia đình ông ngày càng ổn định. Mặc dù có đất sản xuất nhưng gia đình anh Nguyễn Trung Dũng (tổ dân phố Hợp Thành 3, phường Thống Nhất) không có vốn để đầu tư. Từ năm 2013, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hộ cận nghèo, gia đình anh Dũng được vay 25 triệu đồng. Anh đã đầu tư trồng xen 200 trụ tiêu với cà phê đang cho thu hoạch. Vườn cà phê trồng xen tiêu của anh hiện phát triển rất tốt, anh đã nhân rộng được hơn 500 trụ trồng xen trên diện tích 1 ha cà phê, trong vụ thu hoạch vừa qua gia đình anh Dũng đã thu được 1,2 tấn cà phê và hơn 3 tạ tiêu thu bói. Anh Dũng lạc quan: “Nếu cây trồng phát triển tốt như thế này thì vụ sau sẽ thu được khá nhiều. Chúng tôi sẽ có điều kiện hoàn trả vốn vay cho ngân hàng đồng thời có tiền để tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn cây”.

Ông Hà Quốc Dũng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Buôn Hồ nhấn mạnh: Để nguồn vốn đến được đúng đối tượng, đạt hiệu quả, ngay từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào nguồn phân bổ của cấp trên, Ngân hàng đã phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền chính sách này đến với đông đảo nhân dân trên địa bàn; đồng thời, hướng dẫn các xã, phường, tổ vay vốn thông qua các hội đoàn thể thực hiện đúng, đủ quy trình bình xét, lập danh sách hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để ngân hàng giải ngân vốn vay cho các hộ dân. Tính đến cuối năm 2015, đã giải ngân hơn 21,7 tỷ đồng cho 831 hộ cận nghèo vay phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn vay này, nhiều hộ đã đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, các cơ quan ban ngành, đoàn thể và các địa phương cần chú trọng đến công tác đào tạo nghề, định hướng, xây dựng những mô hình kinh tế, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi… mang hiệu quả kinh tế lâu dài cho người dân để nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo tại địa phương, giúp các hộ cận nghèo thoát nghèo một cách bền vững.

Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.