Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Chỉ thị 34 của Tỉnh ủy An ninh rừng từng bước được kiểm soát

13:32, 16/03/2016

Ngày 19-1-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 34/CT-TU  về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, an ninh rừng  từng bước được kiểm soát.

Phát đường băng cản lửa PCCCR tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Phát đường băng cản lửa PCCCR tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Theo đó, các địa phương đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ở các điểm nóng, quyết liệt ngăn chặn xử lý vi phạm. Như tại huyện Ea Súp, trong năm 2015 đã vận động người dân trên địa bàn xã Cư Kbang tự tháo dỡ 8 lán trại bằng gỗ, mái lợp bạt với tổng diện tích 80 m 2 làm trên đất lâm nghiệp; tổ chức kiểm tra, xử lý 44 lán trại dựng trái phép tại các tiểu khu 172,182,196 do Công ty TNHH MTV LN Rừng Xanh quản lý, tổng diện tích 572 m 2; phá bỏ 35 lán trại, vận động người dân cam kết tự phá bỏ 9 lán trại, tịch thu 5 cưa xăng và 1 súng bắn bi hơi cồn tự chế bàn giao cho cơ quan thẩm quyền xử lý. Tại huyện Cư M’gar, từ cuối năm 2014, Công ty TNHH MTV LN Buôn Ja Wầm đã phối hợp với UBND xã Ea Kuêh lập biên bản 12 đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, ban hành 6 quyết định hành chính buộc người vi phạm phải trả lại đất rừng sang nhượng, chiếm hữu trái phép, nhưng các đối tượng không chấp hành, do vậy đơn vị này đang phối hợp và các ngành chức năng xem xét cưỡng chế. Còn tại huyện M’Đrắk, Công ty CP giấy Tân Mai đã thống nhất với các hộ dân thu hồi được 100 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để liên kết trồng rừng. Tại huyện Lắk, Công ty CP LN Trường Thành đã phối hợp với UBND xã Đắk Nuê tổ chức thu hồi được 85,6 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại các tiểu khu 1409, 1415, 1422; Công ty TNHH MTV LN Lắk, đã tuyên truyền các hộ tự tháo dỡ 3 lán trại tạm, trả lại 2,8 ha đất lâm nghiệp sau khi thu hoạch xong hoa màu…

Theo Hạt Kiểm lâm Krông Bông, thực hiện Chỉ thị 34 của Tỉnh ủy, Hạt đã yêu cầu các đơn vị chủ rừng: Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Công ty TNHH MTV LN Krông Bông, các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng, cộng đồng, nhóm hộ… phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật đối với diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ; chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, hạn chế thấp nhất các hành vi khai thác, săn bắt, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật rừng xảy ra trên địa bàn. Năm 2015, toàn huyện đã xử lý 40 vụ vi phạm, trong đó, Hạt xử lý 19 vụ, lâm sản tịch thu 26,046 m3, 1 cưa xăng, tổng số tiền thu sau xử lý trên 181 triệu đồng; Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đã xử lý hành chính 21 vụ vi phạm, tiền xử phạt là 79 triệu đồng; tiền bán lâm sản 173,8 triệu đồng, tịch thu 5.308 m3 gỗ, 1 cá thể động vật, 9 xe gắn máy, 24 súng tự chế, 927 dây bẫy các loại, phá bỏ 14 lán trại. So với năm 2014, giảm 8 vụ (26,7%); khối lượng gỗ tịch thu giảm 12,6 m3. Điều này cho thấy các lực lượng kiểm lâm, QLBVR của các chủ rừng đã có nhiều cố gắng tăng cường kiểm tra, truy quét để ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đã được chú trọng hơn, việc vận động nhân dân tham gia bảo vệ, PCCCR được tiến hành thường xuyên, liên tục; lực lượng kiểm lâm huyện, các chủ rừng và các ngành chức năng triển khai kịp thời các công trình phòng chống cháy nên mùa khô năm 2015 trên địa bàn không xảy ra cháy rừng.

 Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 34, về cơ bản các địa phương, xã đã triển khai có hiệu quả các nội dung quản lý Nhà nước về rừng trên địa bàn như: cụ thể hóa các quy định, chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác QLBVR tại địa phương với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; hoạt động ban bảo vệ phát triển rừng cấp xã đã mang lại những kết quả tích cực; tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã được kiểm soát tốt hơn. Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về QLBVR, lâm sản ngày càng được tăng cường, nhiều vụ đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời, số vụ vi phạm xâm hại rừng năm sau giảm hơn năm trước; phong trào vận động toàn dân tham gia bảo vệ rừng đã mang lại hiệu ứng tích cực, nhân dân đã tham gia tố giác các vụ việc, đối tượng vi phạm cho cơ quan chức năng kịp thời đấu tranh, xử lý.

 Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.