Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực ổn định dân di cư ngoài kế hoạch

09:31, 06/04/2016

Thời gian qua, mặc dù Đắk Lắk phải đối mặt với nhiều sức ép của dân di cư ngoài kế hoạch đối với phát triển kinh tế-xã hội nhưng tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc tái định cư, ổn định cuộc sống cho đồng bào di cư đến.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, từ năm 1976 đến nay đã có 59.539 hộ với 289.973 khẩu của 60 tỉnh, thành trong cả nước di cư ngoài kế hoạch đến Đắk Lắk, cư trú trên 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, bình quân mỗi năm có 1.526 hộ dân di cư ngoài kế hoạch đến. Trong đó, giai đoạn 1976-2004 có 57.995 hộ, 282.230 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc là 17.328 hộ, 91.749 khẩu; giai đoạn 2005-2014 có 1.604 hộ, 7.942 khẩu của 49 tỉnh, thành phố, riêng năm 2015 có khoảng 15 hộ, 58 khẩu của 6 tỉnh có dân di cư đến địa bàn tỉnh. Nhìn chung, tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch đến Đắk Lắk đang giảm dần nhưng đây là vấn đề khiến tỉnh phải đối mặt với nhiều áp lực về quy hoạch, phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, y tế, giáo dục… Đặc biệt, trong giai đoạn 2005 đến nay, dân di cư ngoài kế hoạch đến Đắk Lắk chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc như Mông, Tày, Nùng, Dao… chiếm đến 96% số hộ (riêng dân tộc Mông chiếm 84%), chủ yếu tập trung ở huyện Ea Súp, chiếm 47% tổng dân di cư đến. Họ sống chủ yếu ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và hầu hết là những hộ khó khăn về kinh tế, nơi ăn ở tạm bợ không ổn định, không có đất ở, đất sản xuất; thậm chí nhiều vùng không có đường giao thông đi lại, khó khăn về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, đồng thời còn nhiều hạn chế về chế độ phúc lợi, chăm sóc sức khỏe, một bộ phận do chưa được bố trí, sắp xếp ổn định nên trẻ em không được đến trường, tỷ lệ mù chữ cao. Về sản xuất, hầu hết người dân hiện đang cư trú sinh sống và sản xuất trên quỹ đất lâm nghiệp tự lấn chiếm khai phá hoặc mua bán trái phép để sản xuất nông nghiệp, vì vậy thu nhập và đời sống rất thấp, có tới 12.502 hộ nghèo, chiếm 12,26%; hộ cận nghèo 5.229 hộ, chiếm 7,83%.

Một góc khu tái định cư buôn Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar. Ảnh: Đăng Triều
Một góc khu tái định cư buôn Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar. Ảnh: Đăng Triều

Trước thực trạng trên, tỉnh đã triển khai rà soát và phê duyệt 15/17 dự án bố trí sắp xếp, ổn định dân di cư ngoài kế hoạch với quy mô 6.527 hộ, 32.635 khẩu. Đến nay, đã có 13 dự án đang triển khai thực hiện, đến hết năm 2015 đã sắp xếp được 1.499 hộ, bố trí tại 10 điểm dân cư. Trong vùng dự án, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được chú trọng đầu tư xây dựng như đường, cầu giao thông, phòng học, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung… Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện tốt việc cấp đất với mức bình quân 400 m2/hộ đối với đất ở, 1,32 ha/hộ đối với đất sản xuất. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND cấp huyện, xã và các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ địa bàn nhằm ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng để lấy đất làm nương rẫy và phối hợp với công an đăng ký hộ khẩu tạm trú để quản lý. Trong giai đoạn 2005-2014, đã có 556 hộ, 2.089 khẩu đăng ký thường trú, 1.486 hộ, 6.490 khẩu đăng ký tạm trú; số hộ đã cấp thẻ tạm trú KT3 lập danh sách để quản lý 622 hộ, 3.081 khẩu; số hộ dân chưa có hộ tịch, hộ khẩu là 485 hộ, 2.302 khẩu. Hằng năm, ngoài chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình thực hiện theo chương trình di dân, Đắk Lắk còn thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án khác về cấp nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… để giải quyết cơ bản kịp thời nhu cầu về hạ tầng thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc yên tâm định cư, phát triển sản xuất tại các vùng quy hoạch… Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, việc thực hiện dự án rà soát, bổ sung quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng trong thời gian qua, dự án đã tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, từng bước tăng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo cho người dân yên tâm định cư trên vùng đất mới. Đến nay đã có khoảng 40% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ nghèo được chăm lo khám, chữa bệnh miễn phí, đa số các em trong độ tuổi đi học đều được đến trường… Đáng chú ý là ngoài việc giải quyết nhu cầu lương thực, thực phẩm nội vùng, nhân dân vùng dự án còn tạo ra khối lượng hàng hóa nông nghiệp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thông qua việc ổn định bố trí, sắp xếp dân cư theo quy hoạch đã hình thành nên hệ thống chính trị cơ sở, góp sức thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh, chính trị địa phương.

Khu tái định cư của dân di cư ngoài kế hoạch ở xã Cư Kbang (huyện Ea Súp).
Khu tái định cư của dân di cư ngoài kế hoạch ở xã Cư Kbang (huyện Ea Súp).

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng qua thực tế triển khai chương trình vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc phối hợp thực hiện. Đó là bộ máy chuyên trách thực hiện chương trình của các cấp, ngành chậm được củng cố và luôn bị thay đổi, không thống nhất một đầu mối trong việc thực hiện công tác di dân, nhất là ở các huyện, ảnh hưởng đến quá trình triển khai nhiệm vụ; việc phối hợp lồng ghép các chương trình trong vùng dự án chưa đồng bộ, thống nhất… Để giải quyết ổn thỏa vấn đề tái định cư cho dân di cư ngoài kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương cần phấn đấu cơ bản hoàn thành bố trí, sắp xếp dân cư ở vùng, theo đối tượng đã được xác định, đồng thời gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương; từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của người dân và tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng dân cư, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 39/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục giải quyết tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế như: gắn trách nhiệm cụ thể cho địa phương có đồng bào di cư đi; quy định mốc thời gian và biện pháp cụ thể đối với việc xử lý tình hình dân di cư ngoài kế hoạch tại địa phương theo từng thời điểm… Mặt khác, Trung ương cần quan tâm bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án theo kế hoạch để giải quyết dứt điểm việc sắp xếp các khu dân cư và bố trí đất sản xuất ổn định lâu dài.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.