Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới: Khi nhân dân phát huy vai trò chủ thể

11:07, 30/04/2016
Qua 5 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Đắk Lắk đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, 7 xã đã cán đích nông thôn mới (NTM) và không còn xã nào trắng tiêu chí. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của những người dân nông thôn khi họ phát huy vai trò chủ thể của mình trong công cuộc XDNTM.
 
Những nhân tố điển hình 
 
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông vào xóm do gia đình và người dân trong cụm I, thôn 11 (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) đóng góp xây dựng, ông Đỗ Đình Sinh cho biết, xóm ngoài đồng của cụm I có 25 hộ dân, đời sống kinh tế chủ yếu làm nông nên còn rất nghèo, trước đây đường giao thông vào xóm chỉ là đường bờ ruộng và bìa rừng đã nhiều năm chưa được đầu tư nên đi lại rất khó khăn. Năm 2012, thấy cây giống của bà con sản xuất ra mà không bán được do đường xấu, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông đã bàn với gia đình và cụm trưởng thống nhất, gia đình ông Sinh sẽ tài trợ cho xóm làm 72 m đường bê tông (rộng 3 m), còn lại 78 m đổ xà bần, với tổng kinh phí 95 triệu đồng và 4 ca máy thì bà con trong cụm có trách nhiệm giải phóng mặt bằng, hiến đất để làm đường. Tuy nhiên, khi triển khai cũng gặp không ít khó khăn do một số hộ không chịu hợp tác để giải phóng mặt bằng, nhưng với sự quyết tâm của gia đình và bà con trong cụm, mọi người đã tập trung vận động, tuyên truyền và cuối cùng con đường được hoàn thành trong niềm vui sướng của cả cụm dân cư. Vui mừng hơn khi năm 2014, thành phố thực hiện hỗ trợ xi măng để làm đường giao thông nông thôn, điều này đồng nghĩa với việc đã gỡ cho bà con trong cụm bài toán khó để làm nốt đoạn đường 350 m còn lại. Mặc dù vậy, nhưng do phần lớn các hộ dân trong cụm thuộc hộ nghèo, không thể đóng tiền nên lần này gia đình ông Sinh quyết định hỗ trợ 132 triệu đồng mua nguyên vật liệu, thuê máy làm đường. Vượt qua những khó khăn ban đầu, cuối cùng con đường bê tông sạch đẹp cũng đã được hoàn thành theo ước nguyện của người dân trong cụm. 
Nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn ở thôn 4, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc.
Nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn ở thôn 4, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc.
 
Trong khi đó, ở thôn 12, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột có 324 hộ, 1.564 khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào cây cà phê. Những năm gần đây do năng suất, giá cả luôn thiểu ổn định, ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu nhập và đời sống người dân ở đây nên việc vận động người dân tham gia đóng góp XDNTM cũng gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, gia đình bà Nguyễn Thị Năm (làm trong lĩnh vực xây dựng) quyết định hỗ trợ trên 100 triệu đồng cùng nhân dân trong xã đầu tư làm 80 m đường giao thông, 60 m tường rào nghĩa trang của thôn, ủng hộ 20 bộ bàn ghế cho hội trường thôn và 20 triệu đồng để xóa nhà tạm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số… Tương tự, hộ gia đình Phan Ngọc Bé và Đỗ Thị Phú ở thôn 8 (xã Hòa An, huyện Krông Pắc), mặc dù thuộc diện hộ khó khăn nhưng trước thực tế nơi gia đình đang sinh sống là thôn xa trung tâm, dân cư thưa thớt, chủ yếu là dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào còn rất nghèo, không thể đóng góp được gì cho Chương trình XDNTM tại địa phương nên gia đình đã xung phong tự nguyện hiến 240 m2 đất để xây dựng trường mẫu giáo kiêm hội trường thôn để thuận tiện cho mọi sinh hoạt của bà con nơi đây.
 
Cần tiếp tục phát huy
 
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 7 xã đạt 19 tiêu chí NTM, 3 xã (Ea Ô, Ea Kpam, Ea Tul) đang được các sở, ngành thẩm định hồ sơ; có 49 xã đạt 13-18 tiêu chí, 36 xã đạt 10-12, 50 xã đạt từ 5-9, 6 xã đạt 3-4 tiêu chí. Toàn tỉnh đạt 1.723 tiêu chí, tăng 137 tiêu chí so với năm 2015; bình quân đạt 11,34 tiêu chí/xã, tăng 0,97 tiêu chí/xã so với cuối năm 2015. Mặc dù trong giai đoạn 5 năm đầu (2011-2015), Đắk Lắk vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng những kết quả nêu trên là đáng khích lệ, điều quan trọng nhất là nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến tích cực, từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước nay đã chuyển sang chủ động tham gia tích cực chương trình XDNTM, tạo thành một phong trào sôi động khắp tỉnh. Trong 5 năm, các hộ dân đã đóng góp khoảng 961 tỷ đồng, hiến trên 955.000 m2 đất, hơn 102 nghìn ngày công lao động… để xây dựng hạ tầng thiết yếu ở nông thôn. Trên thực tế, những địa phương đi đầu trong XDNTM thường là những nơi phát huy vài trò chủ thể của nhân dân rất tốt, đơn cử như xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, bằng cách làm dân chủ, khách quan, mọi việc đều đưa ra dân bàn bạc, thảo luận nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân, đặc biệt, trong thực hiện xây dựng các công trình, người dân được giám sát từ tài chính cho đến kỹ thuật thi công… nên rất tin tưởng và góp phần công sức để hoàn thành mục tiêu của chương trình. Ông Nguyễn Đình Vượng, Chủ tịch UBND xã cho biết, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền thì xã đã tạo mọi điều kiện để nhân dân phát huy vai trò chủ thể của mình. Chính vì vậy, khi nhận thức rõ mình là chủ trong XDNTM, người dân đã tích cực đóng góp vào chương trình một cách tự nguyện, từ chỗ chính quyền phải vận động giờ nhân dân lại yêu cầu chính quyền cho đóng góp để cùng XDNTM. Chính điều này đã đưa Hòa Đông trở thành một trong những xã về đích NTM sớm nhất tỉnh mặc dù không phải là xã điểm. Theo Ban điều phối XDNTM tỉnh, trong quý II-2016, Đắk Lắk phấn đấu công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn lên 11. Một trong những giải pháp để hoàn thành mục tiêu này chính là chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá các mô hình tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo… để nhân dân các địa phương tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ thể của mình trong XDNTM.
 
 
Thuận Nguyễn

Ý kiến bạn đọc