Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên: Nỗ lực cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo
Thống kê những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở Đắk Lắk liên tục giảm, bình quân mỗi năm từ 3-4%, đến cuối năm 2015 chỉ còn trên 7%, thấp hơn trung bình cả nước.
Song, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi vẫn không giảm mà còn cao so với trung bình cả nước. Điều này cho thấy, suy dinh dưỡng không chỉ liên quan đến kinh tế, xã hội mà còn bị chi phối bởi những kiến thức và hiểu biết khoa học về vấn đề dinh dưỡng. Đứng trước thực tế này, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã và đang có những can thiệp thiết thực trong việc cải thiện điều kiện dinh dưỡng cho người dân vùng Dự án.
Các khảo sát tại 25 xã, thuộc 5 huyện nghèo Lắk, Krông Bông, M’Đrắk, Buôn Đôn, Ea Súp cho thấy, ở phần lớn các hộ nghèo, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, việc cho con cái ăn uống đủ chất dinh dưỡng hầu như chưa được quan tâm. Để giúp người dân tiếp nhận và vận dụng tốt các hỗ trợ từ Dự án, Dự án đã hướng dẫn những hộ nghèo có điều kiện khó khăn về lương thực và dinh dưỡng hình thành nên 142 nhóm cộng đồng (LEG). Mỗi nhóm LEG an ninh lương thực và dinh dưỡng (ANLT-DD có từ 10 đến 20 hộ, 100% thành viên của nhóm là phụ nữ, đặc biệt ưu tiên phụ nữ hiện đang có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi, những gia đình có con bị suy dinh dưỡng.
Dựa vào đặc điểm sản xuất và nhu cầu của các nhóm, Dự án đã hỗ trợ cải thiện sản xuất cho 64 nhóm trồng lúa; 3 nhóm trồng ngô; 75 nhóm cải tạo vườn hộ. Các hỗ trợ của Dự án gồm giống, vốn và đặc biệt là theo sát hướng dẫn kỹ thuật trong từng công đoạn sản xuất. Kết quả thu được là các mô hình trồng lúa, trồng ngô mặc dù gặp hạn nặng nhưng đều cao hơn so với trước đây từ 2-3 tạ/sào; các mô hình cải tạo vườn hộ cũng đã được các nhóm thực hiện tốt với những khu đất trống quanh vườn bỏ hoang trước đây đã được cải tạo trồng rau xanh, trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi heo, gà, ngan... Bước đầu, dự án đã đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao chất lượng bữa ăn cho người dân. Chị Cát Nông Lào, buôn Tul A, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), một thành viên tham gia nhóm LEG ANLT-DD vui mừng cho biết: “Trước đây đất vườn nhà mình bỏ hoang thôi, nhờ tham gia Dự án, mình và các chị em trong buôn đã được hỗ trợ giống, vốn rồi hướng dẫn về cách trồng rau, nuôi gà, cách chăm sóc sao cho hiệu quả. Cứ vài ngày là cán bộ Dự án đến thăm, kiểm tra và chỉ mình cách làm. Nhờ vậy vườn rau, đàn gà cả chục con nhà mình phát triển ổn định, giờ gia đình mình thường xuyên có cái ăn rồi. Cán bộ Dự án cũng hướng dẫn mình cách kết hợp để nấu bữa ăn đủ dinh dưỡng cho gia đình, mình thấy hay lắm”.
Hướng dẫn viên cộng đồng giám sát trồng lúa trên cánh đồng xã Đắk Nuê, huyện Lắk. |
Cùng với việc tổ chức giúp người dân cải thiện sản xuất, Dự án cũng đã tổ chức 5 lớp tập huấn “TOT về dinh dưỡng” cho gần 200 học viên là cộng tác viên y tế thôn buôn, cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tại 25 xã vùng dự án. Các nội dung được chú trọng là: can thiệp dinh dưỡng quan trọng, hướng dẫn can thiệp dinh dưỡng dự án, thực hành dinh dưỡng thiết yếu, hướng dẫn tổ chức và quản lý nhóm dinh dưỡng cộng đồng. Đồng thời để nâng cao nhận thức và góp phần thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ, Dự án đã tiến hành cấp phát các bộ tài liệu, vật phẩm truyền thông về dinh dưỡng cho cán bộ Dự án và các nhóm LEG ANLT-DD. Các bộ tài liệu, vật phẩm truyền thông này bao gồm các nội dung như: Sách hướng dẫn ăn bổ sung, các bộ tranh về tư vấn/cổ động, biểu đồ tăng trưởng cho trẻ, các tờ rơi về nội dung trẻ bú mẹ/ăn bổ sung... Qua đó, các học viên có thể nắm bắt được các nội dung về dinh dưỡng thiết yếu theo yêu cầu đề xuất của các nhóm cải thiện sinh kế (LEG) tại địa phương; hướng dẫn được các nhóm LEG triển khai mô hình can thiệp; theo dõi tăng trưởng và giáo dục dinh dưỡng, họp nhóm theo các chủ đề cho người dân tại cộng đồng của mình; đồng thời nhận thức được tầm quan trọng của dinh dưỡng và sự cần thiết của các can thiệp dinh dưỡng trong Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên.
Cũng chính từ hoạt động này, rất nhiều chị em đã nhận ra những nhầm lẫn trong cách nghĩ về nguồn dinh dưỡng trước đây của mình. Sau 2 ngày tham gia lớp tập huấn, học viên Phùng Thị Bé (cộng tác viên y tế xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) chia sẻ: “Trước giờ chị em hiểu phải có điều kiện kinh tế mới có thể chăm sóc tốt cho người thân, đặc biệt là trẻ em về dinh dưỡng. Nhưng thật ra, để cho con có đủ dinh dưỡng chỉ cần người mẹ quan tâm cho con ăn cân đối bằng các sản vật sẵn có tại gia đình và địa phương với chi phí không cao như rau, trứng, cá, cua… Mặc dù trước đây, chúng tôi cũng tuyên truyền về điều này, nhưng do tiếp cận đơn lẻ theo từng hộ nên hiệu quả chưa cao. Qua lớp tập huấn tôi sẽ có nhiều kỹ năng, kiến thức cùng với việc tổ chức tuyên truyền và thực hành theo nhóm tôi tin là hiệu quả sẽ cao hơn”.
Được Dự án hỗ trợ, gia đình chị H'Thái Lào, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn bước đầu tự chủ hơn về nguồn thực phẩm trong gia đình |
Sau các lớp tập huấn, Dự án cũng đã phối hợp với Hội Phụ nữ xã, Trạm Y tế tổ chức các buổi hướng dẫn thực hành về dinh dưỡng tại một số nhóm LEG ANLT-DD, bước đầu đã góp phần thay đổi nhận thức và thói quen dinh dưỡng của người dân trong vùng Dự án. Bữa cơm của các hộ tham gia trong nhóm Leg không còn đơn sơ với những món ăn truyền thống nghèo dinh dưỡng như cà đắng, rau rừng… mà thêm vào đó họ còn biết kết hợp với các vật phẩm như: rau, trái và thịt gà, ngan từ chính tay họ làm nên.
Như vậy, bằng việc hướng dẫn bà con thay đổi tập quán canh tác, tận dụng điều kiện sẵn có để sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời trang bị cho người dân những kiến thức khoa học về dinh dưỡng, các can thiệp của Dự án đã thu được những hiệu quả thiết thực. Đây cũng được xem là tiền đề quan trọng giúp các mục tiêu của Dự án được thực hiện đúng hướng, đúng tiến độ, mở ra triển vọng xóa đói, thoát nghèo bền vững.
Bảo Uyên
Ý kiến bạn đọc