Multimedia Đọc Báo in

Hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán: Chủ động, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu

10:06, 04/05/2016

Biến đổi khí hậu đã được thế giới nhắc đến từ lâu nhưng vài năm trở lại đây, vấn đề này ngày càng trở nên nóng hơn bao giờ hết khi các hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra liên tục, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

 Thiệt hại ngày càng tăng

Năm 2015, hạn hán trong cả nước khiến 40.000 ha đất phải dừng sản xuất do thiếu nước tưới, 122.000 ha cây trồng bị hạn, hàng chục ngàn người thiếu nước sinh hoạt. Năm 2016, tình trạng này càng nặng nề hơn, theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, đến đầu tháng 4-2016 cả nước có 322.039 hộ thiếu nước sinh hoạt, 325.303 ha cây trồng bị hạn, ước tính tổng thiệt hại khoảng 3.860  tỷ đồng.

Công trình thủy lợi trọng điểm hồ Krông Búk Hạ, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc.
Công trình thủy lợi trọng điểm hồ Krông Búk Hạ, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc.

Tại Đắk Lắk, chính quyền địa phương và người dân dù đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại có thể xảy ra như chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nạo vét kênh mương; chú trọng đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm… nhưng thiệt hại vẫn rất lớn. Theo thống kê của Sở NN-PTNT đến ngày 5 – 4, toàn tỉnh có 39.062 ha cây trồng bị hạn, ước tính thiệt hại khoảng 1.184 tỷ đồng; đến ngày 12-4, diện tích bị hạn đã lên đến 42.364 ha (mất trắng 6.148 ha), trong đó lúa nước 5.478 ha, cà phê 32.914 ha, hồ tiêu 2.051 ha, ước tính thiệt hại 1.312 tỷ đồng; đã có 25.136 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt (tăng hơn 5.000 hộ so với trước đó 1 tuần) chủ yếu ở các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Ana, Krông Búk, Buôn Đôn, Cư M’gar... Tình trạng thiếu nước xảy ra chủ yếu đối với các hộ sử dụng nước từ giếng đào, một số giếng khoan của các công trình cấp nước tập trung cũng bị thiếu nước do lượng nước ngầm giảm sâu. Tại huyện Cư M’gar, gần 1 tháng nay hàng nghìn hộ dân phải xin nước và sử dụng rất tiết kiệm trong sinh hoạt, chăn nuôi gia súc. Đến cuối tháng 4, nếu không có mưa tình trạng khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng, đặc biệt tại các xã Ea Kiết, Ea Tar, Ea H’đinh, Ea M’droh, Quảng Hiệp, Cư M’gar, Cư Dliê Mnông; trên 70% các hồ chứa sẽ bị khô kiệt, trên 10.000 ha cà phê đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, giảm năng suất, thậm chí mất trắng, trên 3.000 hộ thiếu nước sinh hoạt. Còn với Ea Súp, vốn là vùng chảo lửa, nhiệt độ luôn cao hơn từ 2 – 3oC so với nền nhiệt chung toàn tỉnh nên mùa khô tại đây trở nên khắc nghiệt hơn. Hiện tại, các dòng suối nhỏ, ao, hồ trên địa bàn đã cạn kiệt, mực nước ngầm tụt giảm khiến 2.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, đã có 200 con gia súc, gia cầm tại xã Ia R’vê, Ya Lốp bị chết do thiếu thức ăn, nước uống. Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết, kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó chăn nuôi gia súc gia cầm là thế mạnh đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nhưng do nắng hạn kéo dài khiến gia súc gia cầm thiếu thức ăn, nước uống nghiêm trọng, và số gia súc gia cầm bị chết gia tăng trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi.

Đập Ea T’lá 2, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin hỏng cửa xả không tích được nước
Đập Ea T’lá 2, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin hỏng cửa xả không tích được nước

Cần có giải pháp chiến lược dài hơi

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng thì công tác ứng phó là một trong những hoạt động ưu tiên hàng đầu. Tại Đắk Lắk, đã có nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu như hưởng ứng giờ trái đất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nước… đặc biệt, trong quá trình triển khai sản xuất vụ đông xuân 2015-2016, các ngành chức năng  của tỉnh đã quyết liệt vào cuộc cùng với nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lịch thời vụ để tránh hạn, ưu tiên sử dụng các giống cây ngắn ngày, chịu hạn, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững…, nhưng dễ dàng nhận thấy đó mới chỉ là giải pháp “chữa cháy” tạm thời. Ông Nguyễn Đại Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk cho biết, nền nhiệt tăng cao, hạn hán, xâm nhập mặn đang đe dọa cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất. Phổ biến tại Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng là tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Do vậy, về lâu dài cần nâng cao công tác dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là dự báo nguồn nước để các bộ, ngành, địa phương đưa ra những giải pháp phù hợp điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Đồng thời, chú trọng quy hoạch thủy lợi, đầu tư xây dựng các công trình lớn mang tính chiến lược của vùng, rà soát quy hoạch cây trồng phù hợp với địa bàn nhằm đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng với thời tiết cực đoan. Triển khai việc bảo vệ và phát triển rừng nhằm điều hòa nguồn nước, tăng dòng chảy mùa khô cũng như giảm lũ lụt trong mùa mưa; tổ chức và khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư thủy lợi nội đồng theo hình thức công – tư kết hợp; đầu tư các trạm bơm cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; triển khai chính sách hỗ trợ người dân xây dựng các hồ chứa quy mô nhỏ, áp dụng rộng rãi công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc