Những công nhân trên… đồng ruộng
00:15, 02/05/2016
Ngay trên đồng ruộng đã gắn bó từ bao lâu nay, những nông dân phải tuân thủ một quy trình sản xuất nghiêm ngặt với tác phong làm việc công nghiệp.
Đang mùa thu hoạch nhưng khu vực Trại lúa giống Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) khá vắng vẻ, vì hầu hết các công đoạn gặt hái, sàng lọc đều đã được cơ giới hóa với năng suất làm việc gấp hàng chục lần so với cách làm thủ công trước đây. Nhịp độ lao động khẩn trương nhất có lẽ là tại khu sàng lúa. Mùa vụ này, trạm vừa được trang bị máy sàng lọc giúp cho việc chế biến lúa giống thuận tiện, hiệu quả cao hơn, kéo theo đó nhịp độ lao động cũng khẩn trương hơn. Trong tiếng máy giòn giã, suối thóc đều đặn trôi trên băng chuyền được máy tự động sàng lọc, phân loại và làm sạch nhanh chóng khiến những nông dân đứng máy cũng phải luôn tay phối hợp xử trí các công đoạn một cách nhịp nhàng, đóng bao cho kịp tiến độ chạy máy.
Khảo nghiệm giống lúa mới trên cánh đồng. |
Ngay gần đó, khu sân phơi mênh mông thấp thoáng bóng người thoăn thoắt đảo thảm lúa vàng óng cho kịp nắng. Tạm dừng tay giữa 2 đợt đảo lúa, bà Nguyễn Thị Hà, một nông dân đã hơn 20 năm gắn bó với việc sản xuất lúa giống ở đây vui vẻ cho biết, cũng là công việc nhà nông nhưng thực hiện rất quy củ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các công đoạn, các hộ gia đình để bảo đảm thời vụ, bảo đảm sự khu biệt ruộng lúa giống. Tuy công việc rất bận bịu nhưng bà con đều phấn khởi vì vụ này được mùa, được giá. Trước đây, gia đình bà làm 2,5 sào lúa mà bận bịu quanh năm, bây giờ diện tích đã tăng gấp đôi nhưng công việc lại nhàn hơn vì các công đoạn từ làm đất, nhổ cỏ, bỏ phân đến gặt đập đều được cơ giới hóa, lợi nhất là máy gặt đập liên hoàn giúp giảm hẳn chi phí thu hoạch, vì đã lợi nhân công lại không làm hư hao bao, bạt. Cùng ra sân phơi đảo lúa, trong khi chờ cán bộ kỹ thuật của trại đến kiểm tra độ ẩm lúa giống theo tiêu chuẩn, bà Đỗ Thị Thoa hồ hởi khoe lợi ích mang lại khi nhận khoán 1 mẫu lúa giống, vanh vách giới thiệu cách thức, quy trình sản xuất những giống lúa nước có năng suất và chất lượng cao như ĐT34, Jasmine 85, VT-NA2 … Bà cũng bày tỏ mong muốn mở rộng diện tích sản xuất lúa giống để nông dân có thêm cơ hội áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Với kinh nghiệm thực tế cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của trại giống, sau khi trừ chi phí thì người trồng lúa có thu nhập khoảng 50 triệu đồng /ha.
Cũng như bà Hà, bà Thoa, những nông dân ở thôn 5 xã Hòa Xuân nhận khoán với tổng diện tích 24 ha ruộng của trại lúa giống đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa giống dưới sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật. Theo đánh giá của Trưởng trại Đào Thế Sang thì những nông dân này có trình độ thâm canh cao, nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa giống, lại chịu khó học hỏi nên nhanh chóng tiếp cận và áp dụng hiệu quả các công đoạn canh tác do các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn, chuyển giao. Đặc biệt, họ phải có tính kỷ luật cao, bởi sản xuất lúa giống đòi hỏi một quy trình rất khắt khe từ khâu làm đất tới lúc đưa hạt thóc vào kho sấy. Chỉ cần một sơ sót mà bị lẫn giống, lúa trổ không đồng đều coi như cả năm làm lúa giống thất bại. Bởi vậy, họ phải bám ruộng suốt cả vụ với kỷ luật sản xuất như một nông dân thực thụ.
So với sản xuất lúa thương phẩm thì sản xuất lúa giống đặc biệt khó và mất công ở khâu khử lẫn. Sau khi đã gieo sạ rồi phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi khử những cây khác giống, cây trổ trước hoặc trổ sau, những cây có hình dạng và màu sắc khác với giống đang trồng, thực hiện ít nhất là 3 lần/vụ. Sau khi tiến hành khử lần cuối và trước thu hoạch báo cho bộ phận kiểm định để lập biên bản kiểm định ruộng giống, chỉ những lô giống đạt tiêu chuẩn qua kiểm định mới thu hoạch làm giống. Điều đặc biệt nữa là cây lúa có vòng đời ngắn, diễn biến sâu bệnh rất nhanh nên càng phải thăm ruộng hằng ngày để phát hiện tình huống là xử lý ngay, chỉ để chậm vài ngày là coi như mất trắng vụ lúa. Quá trình chăm sóc đã kỳ công, đến khâu thu hoạch cũng phải kỹ lưỡng không kém, nếu thu hoạch không đúng kỹ thuật, không đúng lúc sẽ gây thất thoát và ảnh hưởng đến chất lượng, khiến hạt giống dễ lẫn tạp. Vì vậy những công nhân chân đất phải hết sức kỹ lưỡng trong quá trình thu hoạch và tuốt lúa để tránh lẫn giống...
Dù đã có máy móc hỗ trợ nhưng việc sản xuất lúa giống khá vất vả vì phải kỳ công hơn sản xuất lúa thương phẩm. Lượng lúa giống của trại thu được khoảng 300 tấn mỗi năm mới đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu lúa giống trên toàn tỉnh, nhưng trong đó thấm đẫm mồ hôi, công sức của những công nhân trên đồng ruộng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa cho nông dân.
Hoa Hồng
Ý kiến bạn đọc