Multimedia Đọc Báo in

"Thương hiệu" chính quyền: Những nỗ lực xây dựng

10:58, 01/05/2016

Vượt qua cả Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố Bình Dương, Hải Phòng…,  năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Đắk Lắk đã vươn lên thứ hạng 23 trong số 63 tỉnh, thành cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2014. Kết quả này phản ảnh chân thực, rõ nét về những nỗ lực của địa phương trong quá trình xây dựng “thương hiệu” chính quyền. 

 
Từ giải pháp và hành động tích cực
 
Chỉ số PCI này phản ánh một cách khách quan và trung thực về môi trường đầu tư kinh doanh, thể hiện sự hài lòng của doanh nghiệp đối với chính quyền tỉnh. Qua đó, chính quyền tỉnh có thể nhìn nhận mình một cách tương đối chính xác, nhằm phát huy những mặt mạnh, cải thiện những hạn chế để dần hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và ngân sách Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đối với mỗi tỉnh, thành, 2 yếu tố ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh gồm: phần “cứng” là vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng… (đây là phần khó có thể hoặc không thể thay đổi); phần “mềm” là việc điều hành kinh tế của chính quyền địa phương trong việc tạo lập môi trường chính sách thuận lợi cho việc phát triển DN. Chỉ số PCI là để đánh giá phần “mềm” này, do đó PCI thể hiện năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh trong hỗ trợ phát triển DN, thu hút đầu tư.
Doanh nghiệp giao dịch tại bộ phận một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Doanh nghiệp giao dịch tại bộ phận một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Chính vì vậy, để phần “mềm” trở thành động lực, vượt qua “rào cản” về yếu tố địa lý, địa hình, hạ tầng cơ sở… vốn không được thuận lợi của một tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, năm 2010 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh giai đoạn 2010-2015, căn cứ vào kết quả đánh giá PCI của năm trước để đề ra kế hoạch cho từng năm. Từ đó đến nay, thứ hạng và điểm số của tỉnh tăng đều qua các năm, và bước thăng hạng PCI năm 2015 đã phản ánh khá rõ nét về những hành động, giải pháp tích cực mà UBND tỉnh đã đề ra. Đó là tập trung vào thực hiện những giải pháp thực tiễn và khả thi khắc phục ngay các lĩnh vực có liên quan đến những chỉ số thành phần của PCI có điểm số và thứ hạng thấp; yêu cầu các ngành phải quan tâm và giải quyết thấu đáo những khó khăn của DN; nâng cao năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức; thực hiện việc công khai, minh bạch các kế hoạch, tài liệu quy hoạch theo quy định để DN dễ dàng tiếp cận; giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các sở, ngành; kiện toàn, nâng cao chất lượng phục vụ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; thực hiện trách nhiệm xin lỗi cá nhân, tổ chức bằng văn bản trong trường hợp hồ sơ quá hạn giải quyết; sử dụng đúng biểu mẫu theo hướng dẫn; thu phí, lệ phí theo đúng quy định của pháp luật. Với những nỗ lực đó, PCI của tỉnh không chỉ cải thiện về thứ bậc mà những chỉ số quan trọng, mang tính “sống còn” đều tăng. Chẳng hạn như chỉ số gia nhập thị trường tăng 0,3 điểm (đạt mức 8,4 điểm), tính minh bạch tăng 0,3 điểm (đạt mức 5,99 điểm), chi phí không chính thức tăng 0,4 điểm (đạt mức 4,65 điểm), tính năng động tăng 1,03 điểm (đạt mức 4,21 điểm), thiết chế pháp lý tăng 0,48 điểm (đạt mức 5,83 điểm), cạnh tranh bình đẳng tăng 0,97 điểm (đạt mức 5,99 điểm).
 
Đồng hành cùng DN và người dân
 
Ngày 28-5-2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3642/KH-UBND về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của tỉnh Đắk Lắk hai năm 2015-2016, trong đó tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước... Chính vì vậy, trong năm 2015, chỉ số thành phần Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh là chỉ số có điểm số tăng cao nhất. Bên cạnh đó, thông qua cuộc gặp mặt định kỳ 2 lần/năm, các buổi “Đối thoại doanh nghiệp và nhà đầu tư” đã tìm ra các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần giúp DN hoạt động hiệu quả hơn. Đây là một trong những hoạt động đã cụ thể hóa phương châm luôn “Song hành với DN và nhà đầu tư” của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, đó là các chỉ số thành phần như: Chi phí thời gian, Tính năng động, Chi phí không chính thức tuy đã có cải thiện nhất định về điểm số và thứ hạng nhưng vị trí vẫn ở mức khiêm tốn so với các địa phương khác. Ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của việc tạo điều kiện hỗ trợ cho DN, nhà đầu tư hoạt động đến sự phát triển của tỉnh, trong nhiều năm qua UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm xúc tiến đầu tư trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ và giải quyết khó khăn vướng mắc cho các DN trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Trong thời gian tới tỉnh sẽ xác định những biện pháp hữu hiệu hơn để tập trung cải thiện những chỉ số thành phần còn đang xếp ở thứ hạng khiêm tốn này. Trên cơ sở kết quả PCI năm 2015 và giai đoạn 2010-2015, tỉnh sẽ tổ chức rà soát, phân tích, đánh giá kết quả đạt được theo kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2010-2015 và kết quả chi tiết năm 2015, từ đó xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch hành động nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020.”
 
Có thể thấy, việc tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành để cùng triển khai có hiệu quả các mảng công việc thuộc phạm vi quản lý của từng đơn vị, đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại đã từng bước tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Qua đó, chính quyền đã có được cái nhìn “thiện chí” hơn từ phía cộng đồng DN nói riêng và người dân nói chung. Để tiếp tục khẳng định sự “đồng hành” giữa chính quyền địa phương cùng cộng đồng DN và người dân, UBND tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các phần mềm trong giải quyết dịch vụ công, phấn đấu áp dụng Chính phủ điện tử đối với tất cả các dịch vụ hành chính công đạt ở mức độ 3 trở lên; thực hiện Đề án cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với việc thực hiện các quy trình của Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 : 2008 ở các lĩnh vực đã được thực hiện và mở rộng thực hiện ở các lĩnh vực khác… 
 
Chỉ số PCI năm 2015 được công bố ngày 31-3-2016 dựa trên kết quả khảo sát 10.158 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 1.823 doanh nghiệp thành lập trong năm 2015 và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 43 quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là lần điều tra có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Cộng đồng DN dân doanh ngày càng đánh giá tích cực hơn về chất lượng điều hành và vai trò của chính quyền địa phương trong việc kiến tạo môi trường hoạt động thuận lợi hơn cho DN.

 

Lê Hương – Giang Nam

 

 


Ý kiến bạn đọc