Cần "thắt chặt" hơn liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch
Từ những chương trình kết nối thiết thực với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; phối hợp với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đà Nẵng... đã mang đến những thành công bước đầu cho ngành du lịch tỉnh trong nỗ lực “tiếp thị” hình ảnh về Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung đối với du khách trong nước và quốc tế.
Trong những năm qua, Đắk Lắk đã thực hiện liên kết phát triển du lịch với nhiều địa phương thông qua các hoạt động phong phú, đa dạng, tuy nhiên, vẫn còn đang mang tính hình thức và chưa đạt hiệu quả cao, chưa phát huy hết lợi thế tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh...
Du lịch cưỡi voi tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn. |
Từ những chuyển biến
Hệ thống cơ sở lưu trú không ngừng được nâng cấp, xây mới có thể phục vụ hơn 6.000 khách du lịch cùng một thời điểm; các khu du lịch được đầu tư, đổi mới để thu hút khách đến với địa phương; công tác tuyên truyền, quảng bá và kết nối phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước được tổ chức thường xuyên; chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch ngày càng được nâng cao, môi trường du lịch được quan tâm, cải thiện... đó là những chuyển biến tích cực sau nhiều năm nỗ lực quảng bá hình ảnh của ngành du lịch tỉnh. Những chương trình kết nối thiết thực như: kết nối các tuyến, điểm tham quan du lịch giữa Đắk Lắk với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; phối hợp với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đà Nẵng... tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; việc gắn kết để đưa khách du lịch theo đường bộ qua các nước trong vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia được khảo sát và triển khai thực hiện… đã mang đến những thành công bước đầu trong nỗ lực “tiếp thị” hình ảnh về Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung đối với du khách trong nước và quốc tế. Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu – Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch cho biết, việc ký kết giữa Đắk Lắk với các tỉnh, thành trong cả nước trong hợp tác phát triển du lịch khá toàn diện bao gồm: trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch: phát triển sản phẩm du lịch (thống nhất kế hoạch khảo sát các tour, các tuyến mới, điểm du lịch giữa hai địa phương và với các địa phương khác trong vùng); quy hoạch, kêu gọi đầu tư; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, sự hợp tác giữa các đơn vị này cũng thể hiện trên nhiều phương diện như: chia sẻ lượng khách, cơ sở lưu trú, xây dựng sản phẩm cạnh tranh, lợi nhuận. Khi có sự kết nối, du khách sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn trong việc lựa chọn hành trình hợp lý nhất cho mình. Cũng từ liên kết, hợp tác, nhiều tuyến tour được khai thác, lượng khách du lịch những năm trở lại đây cũng ổn định hơn. Bình quân mỗi năm, ngành du lịch tỉnh đón khoảng 560.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 10%. Giai đoạn 2012 – 2015 doanh thu của ngành du lịch đạt 1.377 tỷ đồng/1.360 tỷ đồng, tăng 1,25% so với kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng đạt 13,6%.
Du khách tham quan tại Khu du lịch Ko Tam (TP. Buôn Ma Thuột). |
Vẫn còn nhiều khoảng trống
Mặc dù tiềm năng du lịch của tỉnh Đắk Lắk rất phong phú và tỉnh Đắk Lắk đã có chính sách khuyến khích đầu tư nhưng kết quả hoạt động của ngành du lịch trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng, việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh gặp nhiều khó khăn, trong khi các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, lại chủ yếu đầu tư vào phát triển cơ sở lưu trú, chưa chú trọng đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch cũng như các sản phẩm du lịch mới tương xứng. Đây là một khó khăn, bất cập trong đầu tư phát triển du lịch ở tỉnh Đắk Lắk so với nhiều tỉnh, thành khác. Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, vấn đề hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung để mở rộng thị trường khách du lịch đã được các doanh nghiệp quan tâm, đã ký kết nhiều chương trình hợp tác, việc gắn kết để đưa khách du lịch theo hướng đường bộ qua các nước trong vùng Tam giác phát triển du lịch Việt Nam - Lào - Campuchia đã khảo sát và triển khai thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả. Hoạt động liên kết du lịch giữa Đắk Lắk với các tỉnh, thành trong cả nước vẫn còn đang ở tình trạng manh nha, thiếu chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp đến Đắk Lắk chỉ có đăng ký và hứa hẹn mà không có đủ năng lực đầu tư. Có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung vẫn là thủ tục đầu tư và chính sách đất đai, thuế đối với việc kêu gọi đầu tư chưa phù hợp và chưa thực sự hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư; sản phẩm du lịch truyền thống còn nghèo nàn, đơn điệu, trùng lặp; tiềm năng, cảnh quan và môi trường thiên nhiên ngày càng bị phá vỡ một cách nghiêm trọng, nhất là rừng tự nhiên, nguồn nước bị cạn kiệt..; Hiệp hội Du lịch tỉnh chưa làm tốt vai trò là cầu nối, tập hợp, đoàn kết các đơn vị, tổ chức thành viên để hỗ trợ nhau nâng cao uy tín và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp…
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành và xã hội hóa cao, do vậy liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành; vùng miền là hết sức cần thiết nhằm khai thác có hiệu quả những lợi thế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhất là trong xu thế hội nhập thế giới và khu vực hiện nay. Cho nên, việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác sẽ giúp khai thác những thế mạnh, hạn chế được sự trùng lặp sản phẩm và dịch vụ, tránh tạo cảm giác nhàm chán cho du khách, giảm chi phí xúc tiến, quảng bá; qua đó thúc đẩy phát triển du lịch liên vùng, tạo mối liên kết trong việc xây dựng tour, tuyến thu hút du khách...
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc