Chương trình xóa đói, giảm nghèo: Sớm tháo gỡ khó khăn trong cho vay theo Nghị định 75
Nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc xóa đói, giảm nghèo, ngày 9-9-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020. Vì nhiều lý do khác nhau, sau gần 1 năm triển khai, Nghị định này vẫn chưa phát huy vai trò trên địa bàn Đắk Lắk.
Nghị định 75 nêu rõ, từ ngày 2-11-2015, hộ gia đình trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ sẽ được hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón, chi phí một phần nhân công bằng tiền đối với các trường hợp trồng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ. Ngoài mức hỗ trợ trên, hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng còn được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng trong thời gian chưa tự túc được lương thực, nhưng không quá 7 năm; được hỗ trợ vay vốn không có tài sản bảo đảm (phần giá trị đầu tư còn lại) từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) hoặc Ngân hàng NN-PTNT tối đa 15 triệu đồng/ha, với lãi suất 1,2%/năm tính từ khi trồng đến khi khai thác theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng, nhưng không quá 20 năm. Cũng theo Nghị định này, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thuộc vùng dân tộc và miền núi, thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển, tái sinh rừng tự nhiên… sẽ được hỗ trợ vay vốn không có tài sản bảo đảm đến 50 triệu đồng trong 10 năm để chăn nuôi trâu, bò, gia súc khác. Tương tự, hộ gia đình thực hiện bảo vệ rừng sẽ được hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm; hỗ trợ trồng rừng bổ sung tối đa 1,6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600.000 đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo…
Thực hiện Nghị quyết này, ngay từ ngày 27-10-2015, Sở NN-PTNT đã thống kê, tổng hợp nhu cầu kinh phí triển khai. Theo đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp của toàn tỉnh là trên 603 nghìn ha, trong đó có trên 444 nghìn ha đất có rừng. Trong năm 2016, diện tích rừng khoán bảo vệ trên 42,5 nghìn ha, với nhu cầu kinh phí 17 tỷ đồng; trên 15 nghìn ha rừng cần bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung với kinh phí 7,8 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí cần có là 24,8 tỷ đồng. Ngoài ra còn cần có 2.642 tấn gạo để cấp cho các hộ nghèo tham gia trồng rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ. Trước đó, ngày 12-5-2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Thông tư số 27/2015/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện. Theo Thông tư 27, NHNN giao Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN-PTNT thực hiện cho vay. Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4-2-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Đối với Ngân hàng NN-PTNT lại áp dụng cho vay theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong hai hình thức cho vay của hai đơn vị trên, chỉ tại Ngân hàng CSXH, đối tượng vay mới thực sự được tiếp cận vốn ưu đãi khi lãi suất áp dụng chỉ 1,2%/năm. Đây là mức lãi suất rất thấp, phù hợp với đối tượng vay là người nghèo, cũng như lĩnh vực đầu tư đòi hỏi thời gian dài như trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Thế nhưng theo đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh, đến nay tỉnh vẫn chưa được “rót” đồng vốn nào để có thể cho vay theo chương trình này. Trong khi đó, đại diện Ngân hàng NN-PTNT cho biết việc giải ngân vốn theo Nghị định 75 đang rất khó khăn, bởi để nhận được nguồn vốn này đòi hỏi công tác thẩm định, thủ tục thực hiện phức tạp, trong khi đó lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do khách hàng và tổ chức tín dụng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ nên thực chất không thấp hơn các gói tín dụng khác.
Rõ ràng, Nghị định 75 khi ra đời đã hứa hẹn tạo ra một hướng thoát nghèo mới cho đối tượng chính sách. Thế nhưng, để nghị định này phát huy hiệu quả, Nhà nước cần sớm tháo gỡ khó khăn cho những đơn vị triển khai như đã nêu trên.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc