Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh tổ chức phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng sâu vùng xa

09:12, 01/06/2016

Nhiều phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng sâu vùng xa được tổ chức thời gian qua đã thu hút đông đảo người dân tại các vùng nông thôn trong tỉnh đến tham quan, mua sắm, qua đó góp phần không nhỏ vào thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Năm 2015, Sở Công thương đã tổ chức 2 phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi, vùng  sâu vùng xa” tại hai huyện Krông Bông và Lắk với 164 gian hàng, thu hút gần 20.000 lượt người đến tham quan, tìm hiểu thông tin, mua sắm...; doanh thu bán lẻ hàng hóa tại các phiên chợ này đạt trên 1 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở Công thương, hàng hóa do các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất đến các vùng nông thôn trong tỉnh được người dân tin tưởng, ủng hộ, là cơ hội để người tiêu dùng (NTD) được tiếp cận, tìm hiểu thông tin về các sản phẩm hàng Việt, nhất là các sản phẩm mới, bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng.

Người dân tham quan, mua sắm  tại một phiên chợ hàng Việt được  tổ chức  tại huyện Krông Bông.
Người dân tham quan, mua sắm tại một phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại huyện Krông Bông.

Theo nhiều DN đứng chân trên địa bàn tỉnh có tham gia chương trình nhận định, khả năng hàng nội địa chiếm lĩnh được thị phần ở thị trường này là rất lớn, mỗi một phiên chợ như thế dù thời gian không nhiều nhưng đều nhận được sự ủng hộ, quan tâm tìm hiểu của bà con tại các địa phương. Ông Bùi Quang Hòa, Phó Giám đốc Co.opMart Buôn Ma Thuột cho biết, nhiều năm tham gia phiên chợ đưa hàng Việt về các vùng nông thôn trong tỉnh, sản phẩm trong nước được NTD hồ hởi đón nhận. Không kỳ vọng nhiều về doanh số bán ra sau mỗi chuyến đi, nhưng quan trọng hơn, đơn vị cũng nắm bắt được thị hiếu, thói quen tiêu dùng của người dân tại các vùng nông thôn trong tỉnh, về sự cạnh tranh chất lượng, giá cả…

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng hàng Việt của bà con tại các vùng nông thôn rất dồi dào nhưng việc tiếp cận với hàng Việt vẫn còn nhiều khó khăn, chưa kể, trong vấn nạn hàng giả, nhái, kém chất lượng đang hoành hoành thì việc phân biệt đâu là hàng Việt bảo đảm chất lượng với hàng ngoại nhập chất lượng trôi nổi gắn mác hàng Việt lại càng khó khăn hơn. Do đó, việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu vùng xa như thế này là hết sức cần thiết và có ý nghĩa, làm “cầu nối” giữa nhà sản xuất, phân phối và NTD, góp phần hình thành thói quen xài hàng Việt của người dân.

Ông Đoàn Thượng Phấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết, chương trình “Phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa” được tổ chức đều đặn trong thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, tâm lý tin dùng hàng Việt của NTD cũng được nâng lên đáng kể, các DN cũng có thêm cơ hội để quảng bá, đẩy mạnh kênh phân phối tại các thị trường này. Trên đà đó, trong năm 2016, Trung tâm sẽ tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt phục vụ người dân tại các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa của tỉnh. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 9 đến 12-9 tại Trung tâm văn hóa huyện Ea Súp, đợt 2 từ ngày16 đến 19-9 tại Trung tâm văn hóa thể thao huyện M’Đrắk, đợt 3 từ ngày 30-9 đến 3-10 tại sân vận động 9-5 (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) và đợt 4 từ ngày 16 đến 19-12 tại Nhà văn  hóa xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn. Dự kiến, sẽ có 30 DN với 70 gian hàng/phiên tham gia bày bán, tư vấn các sản phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu, hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật… đến người tiêu dùng. Ông Phấn cũng cho biết thêm, xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh hàng Việt bằng việc bày bán các sản phẩm uy tín nên DN tham gia phiên chợ lần này phải là những DN sản xuất hàng Việt, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng, vệ sinh ATTP được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị tham gia được miễn 100% chi phí thuê mặt bằng, điện nước… để tổ chức phiên chợ. Bên cạnh việc bày bán sản phẩm thì hoạt động tuyên truyền để người dân được biết, nhận diện thương hiệu, phân biệt hàng thật - giả và gia tăng tình yêu đối với hàng Việt tại mỗi phiên chợ cũng được Ban tổ chức chú trọng...

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc