Nan giải chống thất thu trong khai thác khoáng sản
Thu thuế, phí trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS), trên địa bàn tỉnh luôn gặp nhiều khó khăn. TNKS vẫn đang ngày ngày chảy đi và thất thu thuế, phí tài nguyên đang trở thành một vấn đề bức xúc.
Thất thu lớn
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 44 doanh nghiệp (DN) đã được cấp phép khai thác TNKS, trong đó chủ yếu là khai thác vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, đất sét). Mặc dù được cấp phép, nhưng nhiều DN vẫn “có vấn đề” trong quá trình hoạt động. Mới đây nhất, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản chỉ rõ sai phạm tại 3 đơn vị liên quan đến hoạt động khai thác cát trên sông Krông Ana đoạn qua 2 huyện Cư Kuin và Krông Bông. Các DN đã sử dụng quá số tàu được cấp phép, cố tình kê khai sản lượng khai thác thấp hơn thực tế gây thất thu thuế Nhà nước. Hợp tác xã Giang Sơn (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) được chính quyền địa phương cấp phép khai thác cát trên sông Krông Ana và chỉ đăng ký 4 tàu phục vụ cho công việc khai thác, nhưng thực tế lại sử dụng tới 7 tàu. Trong báo cáo của Hợp tác xã Giang Sơn, mỗi năm họ chỉ khai thác được 11.600m3 cát, nhưng theo tính toán của cơ quan chức năng, với sức chứa mỗi tàu 25m3, mỗi năm đơn vị này sẽ khai thác được 24.000m3. Ngoài ra, dù chưa được sự đồng ý của cấp thẩm quyền, nhưng trong diện tích được cấp phép của mình đơn vị này còn để cho Hợp tác xã Nam Sơn khai thác chung một giấy phép. Công ty TNHH Hưng Vũ (Krông Bông) được cơ quan chức năng cấp phép khai thác cát với số lượng 6 tàu. Theo báo cáo, mỗi năm công ty chỉ khai thác được 17.259m3 cát. Tuy nhiên, trên thực tế, với sự hoạt động của 6 con tàu, đơn vị này sẽ khai thác đạt 32.000 m3 cát. Tương tự, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tây Nguyên (Krông Bông) cũng báo cáo sai khối lượng khi báo cáo mỗi năm chỉ khai thác được 21.703m3 cát. Tuy nhiên, với 6 tàu hoạt động với sức chứa mỗi tàu 40m3 thì mỗi năm DN này sẽ khai thác được 32.000m3 cát. Bên cạnh đó, trên diện tích khai thác cát của mình được cấp phép, DN còn cho Hợp tác xã Đoàn Kết khai thác chung. Trên đây chỉ là những ví dụ điển hình về tình trạng thất thu khi DN cố tình kê khai sai khối lượng khai thác. Điều đáng nói là tình trạng này đã diễn ra từ rất lâu và không ai dám chắc rằng nó chỉ xảy ra ở 3 đơn vị mà cơ quan chức năng “đụng” đến.
Một địa điểm khai thác cát trên địa bàn huyện Krông Ana. |
Phải có giải pháp căn cơ
Việc thu thuế và phí bảo vệ môi trường đối với các cá nhân trực tiếp khai thác cát, sỏi, đất, đá hầu như chưa quản lý được do không có quy hoạch, địa bàn rộng, khai thác chủ yếu bằng thủ công, địa điểm không cố định, dẫn đến tình trạng không kê khai hoặc kê khai thiếu số lượng. Trong khi việc quản lý “đầu vào” đã khó, quản lý đầu ra lại càng khó hơn. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn, ngoài sản lượng vật liệu xây dựng bán cho các công trình có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước việc mua bán có hóa đơn, còn lại sản lượng rất lớn khác phục vụ các công trình dân dụng hầu như không có hóa đơn, chứng từ mua bán. Điều đáng nói là một khi đã không có hóa đơn chứng từ thì gần như tất các các loại thuế phí liên quan như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế GTGT, thuế thu nhập DN... đều bị thất thu, và con số thất thu này là rất lớn. Theo ông Bùi Văn Chuẩn, giải pháp tối ưu nhất trong chống thất thu thuế, phí khai thác TNKS là áp dụng hình thức thu theo định mức. Trọng tâm của giải pháp này là tăng cường tính tự giác, gắn trách nhiệm có tính bắt buộc về thuế đối với các DN, tổ chức, cá nhân khi khai thác, mua bán khoáng sản. Đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác TNKS trên địa bàn phải kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác TNKS theo quy định. Đối với người mua, phải có hoá đơn của người bán, nếu không thì người mua phải có trách nhiệm kê khai, nộp thay thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường cho người khai thác đối với lượng tài nguyên mua vào không có hoá đơn.
Trong những năm tới, nhu cầu về đất, đá, cát, sỏi dùng cho xây dựng, san lấp mặt bằng, làm nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm xây dựng và các TNKS khác sẽ còn gia tăng theo tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Do vậy, nếu việc khai thác TNKS vẫn được quản lý như hiện nay, ngân sách tỉnh sẽ thất thu rất lớn. Vấn đề ở chỗ, việc chống thất thu khai thác TNKS là không quá khó, nhất là đối với vật liệu xây dựng như cát, đá. Trong khi chưa thể áp dụng biện pháp lâu dài như tính thuế định mức, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp hiệu quả giữa các cấp, ngành liên quan. Do vậy, nên chăng UBND tỉnh cần có chỉ đạo quyết liệt và thành lập những đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát “đầu ra” ngay trên các tuyến giao thông mà các xe chuyên chở vật liệu phải đi qua như quốc lộ 27, tỉnh lộ 2…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc