Multimedia Đọc Báo in

Tạo hình Tổ quốc từ các giống lúa thảo dược quý

07:48, 05/06/2016

Ai đi ngang cánh đồng tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) cũng trầm trồ thú vị khi được chiêm ngưỡng hình ảnh bản đồ Việt Nam rõ nét giữa đồng lúa. Càng thú vị hơn khi biết rằng bản đồ Tổ quốc với bốn màu trắng, đỏ, tím, vàng nổi bật dưới bầu trời xanh ấy được tạo hình bởi các giống lúa thảo dược quý giá… 

Bản đồ Việt Nam được Vẽ từ 4 giống thảo dược
Bản đồ Việt Nam được vẽ từ 4 giống lúa thảo dược.

Hình Tổ quốc được tạo hình bằng các giống lúa thảo dược quí là tác phẩm xuất phát từ ý tưởng của ông Phan Văn Hòa (Giám đốc Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa – Nghệ An) muốn quảng bá sản phẩm lúa Việt Nam, cho thấy rằng cây lúa không những đáp ứng nhu cầu sức khỏe, nhu cầu lương thực mà còn “vẽ” nên nét đẹp đặc trưng văn hóa của đất nước Việt Nam. Ông Hòa từng trăn trở: “Tại sao các loại hình khác thì thu hút được khách du lịch còn sản xuất lúa thì không, trong khi lúa là sản phẩm cây trồng hiện hữu muôn đời và gắn bó mật thiết với con người?”. Điều đó đã thôi thúc ông nghiên cứu các giống lúa thảo dược nhiều màu sắc và có giá trị dinh dưỡng cao, như: Giống lúa thảo dược tím VH1 đã được các đơn vị khoa học phân tích, đánh giá là có loại gạo giàu vi chất, vi lượng và các vitamin A, B (B1, B2, B6…), li-pít, can-xi, sắt, chất xơ, đặc biệt omega 6, omega 9, oryzanol… có tác dụng bổ máu, tốt cho trẻ sơ sinh, người bị thương mất máu, phụ nữ mang thai và sau khi sinh, chống ung thư, chống loãng xương cao, tốt cho tim mạch, tiểu đường… Hay giống lúa AC5 (giống độc quyền sở hữu của Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa) dù là lúa thuần song đẻ nhánh khỏe như lúa lai nên lượng giống gieo sạ chỉ bằng 30% (50 kg/ha) so với các giống lúa thuần khác; năng suất lại rất cao và chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, giống lúa AC5 đã “phủ” hầu hết các cánh đồng huyện Yên Thành nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Gạo AC5 đã có thương hiệu trên cả nước, được bày bán tại các siêu thị lớn ở các tỉnh thành. Các giống lúa mới tạo như VH2 - đỏ, VH3 - trắng, VH4 - vàng cũng đều có hàm lượng dinh dưỡng rất cao.

Cánh đồng lúa thảo dược có tạo hình bản đồ Việt Nam tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An).
Cánh đồng lúa thảo dược có tạo hình bản đồ Việt Nam tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An).

Được biết, từ năm 2014 đến nay, Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột đã liên kết với Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa đưa các giống lúa như Thảo dược tím VH1 và lúa chất lượng cao AC5 vào trồng thử nghiệm tại xã Ea Kao để đánh giá sự thích nghi, xây dựng cánh đồng mẫu tại TP. Buôn Ma Thuột. Vụ đông xuân 2014-2015, sau khi triển khai trồng cánh đồng mẫu lúa AC5 với diện tích 10 ha và 1 ha lúa thảo dược VH1 tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), kết quả cho thấy năng suất giống lúa AC5 đạt 75 tạ/ha, tăng trung bình 10,4 tạ/ha so với các giống lúa thuần (IR64) cùng thời vụ; lúa thảo dược VH1 đạt năng suất 70,2 tạ/ha, tăng 5,6 tạ/ha so với giống IR64. Từ vụ hè thu 2015 và vụ đông xuân 2015-2016, một số nông dân ở xã Ea Kao đã tự để lại giống lúa thảo dược, đồng thời sản xuất gạo lứt thảo dược và gạo AC5 phục vụ nhu cầu tại địa phương và một số đơn vị khác.

Vụ hè thu năm 2016, Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục liên kết với Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa xây dựng đề án và triển khai cánh đồng mẫu lớn lúa chất lượng cao AC5 tại phường Khánh Xuân với diện tích 20 ha, làm cơ sở hướng tới nhân rộng trên nhiều địa phương.

Đặc biệt, sắp tới Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa dự kiến mời lãnh đạo 18 tỉnh, thành cả nước, trong đó có tỉnh Đắk Lắk tham quan những kết quả chương trình trên cây lúa mà công ty đã triển khai thực hiện trong thời gian qua. Thiết nghĩ, đây là cơ hội tốt để học tập kinh nghiệm và đưa ra các định hướng tốt hơn đối với việc quy hoạch phát triển sản xuất lúa trong tương lai tại các địa phương, nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.