Tiếp sức cho công nghiệp nông thôn
Hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn ở Đắk Lắk hiện đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế trong phát triển làng nghề và các giải pháp thu hút đầu tư vào các khu, cụm CN.
Phục hưng làng nghề
Khu vực nông thôn Đắk Lắk có rất ít cơ sở sản xuất công nghiệp (CN) quy mô lớn, do đó, làng nghề đóng vai trò quan trọng trong phát triển CN – TTCN. Theo Đề án phát triển làng nghề tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, giao cho Sở NN-PTNT làm đầu mối thực hiện, sẽ đầu tư hơn 4,1 tỷ đồng để khôi phục, duy trì và phát triển các làng nghề, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – thương mại, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm giai đoạn 2016 – 2020 đạt 8,5%, tạo thêm việc làm mới cho 732 lao động nông thôn. Theo đó, tập trung các nguồn lực về kinh phí, khoa học công nghệ, môi trường và xúc tiến thương mại để phát triển làng nghề sản xuất bánh tráng (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), cụm nghề dệt thổ cẩm buôn Knia (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), nấu rượu men lá thôn Tam Phong và Tam Trung (xã Ea Tam, huyện Krông Năng), nghề hoa – cây cảnh thôn 3 (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột), dệt thổ cẩm buôn Kna (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar), nấu rượu nếp (xã Buôn Triết, huyện Lắk), dệt thổ cẩm buôn Kram (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin), nghề gốm buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao, huyện Lắk) và nghề dệt thổ cẩm buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).
Nghệ nhân làm gốm tại buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk. |
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, một số nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ mai một, là sự lãng phí lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi vậy, Đề án phát triển làng nghề tập trung vào mục tiêu phục hưng các làng nghề là nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thúc đẩy phát triển CN – TTCN vùng nông thôn. Theo đó, sẽ hỗ trợ các làng nghề nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận thị trường, xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm, đổi mới máy móc, thiết bị, đào tạo nghề cho lao động và hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường tại các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn.
Cần thêm sự hỗ trợ
Cùng với việc khôi phục, phát triển làng nghề, các chính sách phát triển cụm CN và hoạt động khuyến công đã góp phần thu hút các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh tập trung, tạo diện mạo mới cho CN nông thôn. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 1 khu CN và 14 cụm CN đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, trong đó, 9 cụm CN vừa tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vừa hoạt động. Toàn tỉnh đã thu hút được 112 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư tại các cụm CN (trong đó, 68 dự án đang hoạt động, 19 dự án đang xây dựng, 8 dự án tạm dừng hoạt động và 17 dự án đã đăng ký), tổng diện tích đất 221,6 ha, thu hút khoảng 4.870 tỷ đồng vốn đầu tư và hơn 5.000 lao động. Nhờ đó, ở vùng nông thôn đã hình thành nhiều cụm CN phục vụ sản xuất CN – TTCN gắn với các ngành nghề phù hợp với thế mạnh từng vùng như chế biến gỗ, nông sản, cơ khí và đồ tiêu dùng, đặc biệt, phải kể đến cụm CN Ea Đar (huyện Ea Kar), Ea Lê (huyện Ea Súp), Ea Ral (huyện Ea H’leo)...
Nghề làm bánh tráng tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn. |
Để tiếp sức cho công nghiệp nông thôn, năm 2016, khuyến công địa phương sẽ hỗ trợ triển khai 15 đề án, với tổng kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng cho các dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, đào tạo nghề, trình diễn kỹ thuật, nổi bật là hỗ trợ máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất hạt điều (thị trấn Ea Knốp), huyện Ea Kar; máy đóng túi lọc trong sản xuất trà thảo mộc (xã Ea Ô, huyện Ea Kar); máy móc thiết bị sản xuất lưới thép (thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo); dây chuyền chế biến mắc ca (xã Đliê Ya, huyện Krông Năng) và máy móc thiết bị chế biến cà phê bột (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar). Nguồn vốn này tuy không lớn nhưng sẽ góp phần nâng cao năng suất, tăng chất lượng sản phẩm các cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn. Ông Dương Hùng Ba, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho biết, thời gian qua, các chương trình, đề án khuyến công đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tận dụng nguồn nguyên, vật liệu và lực lượng lao động tại chỗ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa bàn nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, để hoạt động sản xuất CN – TTCN phát triển mạnh, cần tăng cường hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề cho lao động, chuyển giao khoa học kỹ thuật và máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Về phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN nông thôn cũng cần chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ và nâng cao kỹ năng quản lý.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc