Multimedia Đọc Báo in

Công nghiệp chế biến lâm sản: Tìm hướng vượt khó

09:28, 23/08/2016

Những năm gần đây, ngành chế biến lâm sản (CBLS) đang gặp nhiều khó khăn do tác động của việc đóng cửa rừng tự nhiên và những bất cập trong quy hoạch ngành và phát triển mạng lưới chế biến.

Sản xuất mộc dân dụng tại một doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Tân An 1.
Sản xuất mộc dân dụng tại một doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Tân An 1.

Theo Dự án quy hoạch đến năm 2020, đưa CBLS trở thành  một ngành quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 triệu USD, 100% cơ sở chế biến có dây chuyền tinh chế với công nghệ hiện đại. Trong dự án này cũng xác định vị trí các cơ sở CBLS phải nằm trong khu, cụm công nghiệp (KCCN) hoặc điểm quy hoạch và phải có vùng nguyên liệu ổn định. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch trên thực tế đã xuất hiện những bất cập, cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp CBLS. Cụ thể, do hạ tầng các KCCN chưa được xây dựng đồng bộ, nên đã dẫn đến khó khăn cho việc di dời các cơ sở sản xuất vào đây. Theo Quyết định số 3244/QĐ-UBND ngày 14-12-2010 của UBND tỉnh về việc di dời các cơ sở CBLS vào các KCCN, đến 31-12-2012, 100% cơ sở CBLS phải di dời vào các KCCN, tuy nhiên, mới chỉ có rất ít doanh nghiệp, cơ sở chế biến tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea H’leo, M’Đrắk, Cư Kuin, Krông Búk, Ea Kar và Ea Súp di dời theo quy định. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 2242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 – 2020, Đắk Lắk đã đóng cửa rừng, không có chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên, do đó, nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở CBLS bị suy giảm, đặc biệt là gỗ tự nhiên, nên phần lớn phải sử dụng gỗ rừng trồng, gỗ vườn và gỗ công nghiệp. Để tháo gỡ các khó khăn trên, UBND tỉnh đã có văn bản điều chỉnh vị trí và điều kiện hoạt động của các cơ sở CBLS. Theo đó, các cơ sở có thể nằm trong các KCCN và điểm quy hoạch, hoặc ở địa điểm được UBND tỉnh chấp thuận dự án đầu tư và không yêu cầu có vùng nguyên liệu, miễn là sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp từ gỗ rừng trồng, gỗ vườn, gỗ rừng tự nhiên.

Năm 2010, toàn tỉnh có khoảng 100 cơ sở CBLS, 400 cơ sở sản xuất đồ mộc, nhưng hiện chỉ còn  66 cơ sở CBLS và 250 cơ sở sản xuất đồ mộc (có đăng ký kinh doanh) đang duy trì hoạt động. Vừa qua, Chi cục Quản lý chất lương nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra tại 61 cơ sở CBLS thuộc các địa phương: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Ea H’leo, Krông Năng và Krông Búk cho thấy, hoạt động sản xuất của các cơ sở này gặp rất nhiều khó khăn, phụ thuộc vào các doanh nghiệp cao su thanh lý vườn cây mới có nguyên liệu để sản xuất; thị trường tiêu thụ chịu sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu.

Chế biến lâm sản tại Công ty TNHH Tín Nghĩa Đắk Lắk.
Chế biến lâm sản tại Công ty TNHH Tín Nghĩa Đắk Lắk.

Để tự cứu mình, cơ sở CBLS cũng đã chủ động chuyển hướng từ cưa xẻ, chế biến gỗ rừng tự nhiên sang tinh chế, thi công công trình xây dựng dân dụng bằng gồ rừng trồng và gỗ công nghiệp. Đơn cử như Công ty TNHH Tín Nghĩa Đắk Lắk (CCN Tân An 1) đã sớm trang bị cho mình dây chuyền chế biến công suất 500 m3 sản phẩm gỗ tinh chế/năm. Ông Lê Thanh Xuân, Giám đốc công ty cho biết, để duy trì sản xuất kinh doanh, không còn cách nào khác, đơn vị phải sử dụng phần lớn các loại gỗ cao su thanh lý, gỗ vườn và chú trọng vào việc nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã sản phẩm, nhờ vậy, sản phẩm của công ty không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ; thu nhập của 70 lao động ổn định ở mức 4 – 7 triệu đồng/người/tháng. Tương tự, cơ sở sản xuất mộc dân dụng Minh Hoàng (xã Hòa Đông, TP. Buôn Ma Thuột) cũng chỉ nhận các đơn hàng sử dụng gỗ công nghiệp và đầu tư thêm một số máy móc để gia công sản phẩm đạt độ tinh xảo và thẩm mỹ cao làm vừa lòng khách hàng.

Phát triển công nghiệp CBLS tại địa bàn Đắk Lắk hiện là hướng đi đúng nhờ nguồn nguyên liệu rừng trồng rất lớn. Tuy nhiên, do năng lực, vốn có hạn, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến rất cần Nhà nước hỗ trợ trong việc đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa và tăng tỷ lệ sản phẩm tinh chế. Cùng với đó là thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy CBLS, tinh bột giấy, viên nén gỗ… gắn với vùng nguyên liệu tại một số địa phương có thế mạnh về rừng trồng như M’Đrắk, Lắk, Krông Bông…     

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc