Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ cho các đối tượng theo Quyết định 755/QĐ-TTg: Còn đó những khó khăn

12:16, 26/08/2016

Hơn 2 năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 755) về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, do khó khăn về vốn, quỹ đất nên tiến độ triển khai chậm.

Thực hiện Quyết định 755, UBND tỉnh đã tiến hành rà soát, xét duyệt những hộ nằm trong diện thụ hưởng, xây dựng Đề án 755 để triển khai. Theo Đề án, toàn tỉnh có 4.979 hộ thiếu đất ở, 15.896 hộ không có và thiếu đất sản xuất, 26.894 hộ thiếu nước sinh hoạt. Tổng nguồn vốn thực hiện Quyết định 755 khoảng 743,7 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương 579,4 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ 358,6 tỷ, vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội 220,8 tỷ), vốn ngân sách địa phương 164,3 tỷ đồng (ngân sách tỉnh khoảng 93 tỷ đồng, ngân sách huyện 71,3 tỷ đồng). 

Một người dân xã Yang Mao (huyện  Krông Bông) lấy nước suối về sinh hoạt.
Một người dân xã Yang Mao (huyện Krông Bông) lấy nước suối về sinh hoạt.

Sau khi được Trung ương bố trí nguồn vốn, từ năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai đề án này. Đến tháng 6-2016, các địa phương đã xây dựng được 18 công trình nước tập trung, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 5.881 hộ; cấp đất sản xuất cho 281 hộ; đất ở cho 39 hộ, hỗ trợ nông cụ, máy móc cho 27 hộ. So với mục tiêu ban đầu của Đề án là đến hết năm 2015 giải quyết cho trên 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho các hộ nằm trong diện được thụ hưởng thì đang bị chậm trễ. Nguyên nhân là do nguồn vốn phân bổ thực hiện Đề án chậm, nhỏ giọt. Đến nay, ngân sách Trung ương mới hỗ trợ được 60 tỷ đồng/358,6 tỷ đạt 16,7%; nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh được 52 tỷ đồng đạt 23,5% kế hoạch; ngân sách tỉnh gần 93 tỷ đồng nhưng chưa bố trí được; nguồn vốn của huyện thì đến nay mới chỉ có huyện Cư Kuin bố trí hỗ trợ đất ở cho 15 hộ, Ea H’leo 24 hộ.

Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ đối với mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc chưa đủ đất ở, đất sản xuất theo định mức quy định tại địa phương, có khó khăn về nước sinh hoạt sẽ được giao đất ở với diện tích bình quân 200m2; hỗ trợ trực tiếp bằng tiền (15 triệu đồng/hộ) và được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (15 triệu đồng/hộ) để tạo quỹ đất, nếu không có quỹ đất thì chuyển sang các hình thức hỗ trợ khác; hỗ trợ bình quân 1,3 triệu đồng/hộ để xây dựng bể chứa nước, đào giếng nước hoặc tự tạo nguồn nước sinh hoạt.

Ngoài ra, quỹ đất ở một số địa phương không còn cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án, đến nay trong số 60 tỷ đồng vốn Trung ương bố trí, các địa phương mới giải ngân được hơn 20 tỷ đồng. Đơn cử như năm 2015, Trung ương bố trí 17 tỷ đồng, tỉnh ưu tiên hơn 15,8 tỷ đồng cho các địa phương khai hoang để cấp đất sản xuất cho 1.058 hộ nằm trong diện được hỗ trợ, trong đó huyện Buôn Đôn (283 hộ), Krông Pắc (281 hộ), Ea Súp (188 hộ), Lắk (134 hộ), Ea H’leo (105 hộ), M’Đrắk ( 67 hộ). Do quỹ đất sản xuất không còn, nếu hỗ trợ tiền cho các hộ tự mua bán, sang nhượng giữa các hộ thì không thực hiện được do định mức hỗ trợ thấp so với mặt bằng giá đất đai trên thị trường. Chính vì điều này, huyện Ea H’leo, M’Đrắk đề nghị UBND tỉnh cho chuyển nguồn vốn trên sang hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho các hộ dân; còn huyện Lắk xin trả lại vốn cho tỉnh; huyện Buôn Đôn thì vùng đất dự kiến khai hoang để cấp cho người dân nằm trong diện hỗ trợ đang bị lấn chiếm trái phép. Duy chỉ có huyện Krông Pắc là hoàn thành kế hoạch cấp đất sản xuất cho 281 hộ dân. 

Một lớp học ở thôn  Ea Rớt - thôn đặc biệt khó khăn (thuộc xã Cư Pui, huyện Krông Bông).
Một lớp học ở thôn Ea Rớt - thôn đặc biệt khó khăn (thuộc xã Cư Pui, huyện Krông Bông).

Theo UBND tỉnh, để triển khai Đề án 755 trong thời gian tới đạt hiệu quả, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ, dòng họ, cộng đồng san sẻ đất cho đối tượng được thụ hưởng. UBND tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh Đề án cho các địa phương không còn quỹ đất chuyển sang các hình thức hỗ trợ khác; rà soát quỹ đất của các công ty, doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả để thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng. UBND tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành cho kéo dài thời gian thực hiện Quyết định 755 đến hết năm 2020; rà soát, điều chỉnh đối tượng thụ hưởng theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020; nâng mức hỗ trợ lên 30 triệu đồng/hộ và nguồn vốn vay ưu đãi ngân hàng lên 30 triệu đồng…    

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc