Cho vay theo chuỗi – Chưa phát huy hiệu quả, vì đâu?
Cho vay theo chuỗi được xem là một trong những hình thức tín dụng tối ưu trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, cho vay theo chuỗi chưa thật sự phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Mô hình tối ưu
Cho vay theo chuỗi có thể hiểu đơn giản là các doanh nghiệp (DN) liên kết với nông dân, đầu tư khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, có chất lượng và mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp. Người nông dân tham gia liên kết yên tâm về tiêu thụ sản phẩm và được doanh nghiệp hỗ trợ về giống, kỹ thuật, vật tư... do đó đời sống từng bước được cải thiện. Các ngân hàng thương mại lựa chọn được phương án sản xuất kinh doanh tốt để cho vay và thông qua chuỗi liên kết kiểm soát được “dòng” tiền cho vay, vì thế hiệu quả tín dụng được nâng lên rõ nét. Cho vay theo chuỗi sẽ giải quyết được tất cả những vấn đề gặp phải trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm làm ra. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay, sản phẩm nông nghiệp sẽ hướng đến thị trường xuất khẩu. Do vậy, từng người nông dân hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã nhỏ lẻ không thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường quốc tế mà cần phải thực hiện liên kết giữa các nông hộ với các DN thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có thể ghi nhận những thành công bước đầu trong lĩnh vực chăn nuôi khi xuất hiện những mô hình liên kết hiệu quả giữa Công ty Cổ phần CP Việt Nam. Ở những mô hình này, DN đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo đảm thị trường tiêu thụ. Còn người chăn nuôi nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất đai của họ. Anh Nguyễn Văn Chiến (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin), một trong những người tham gia chuỗi sản xuất của Công ty Cổ phần CP tại Đắk Lắk cho biết, khó khăn của các hộ sản xuất là thiếu vốn cho đầu tư ban đầu để xây dựng chuồng trại. Tuy nhiên, trong những năm qua, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Cư Kuin đã luôn bám sát các dự án phát triển sản xuất của anh để cung ứng vốn kịp thời mỗi khi cần đầu tư.
Khai thác mủ cao su tiểu điền tại huyện Cư M’gar. |
Vẫn còn nhiều khó khăn
Những mô hình cho vay theo chuỗi như trên chỉ là thành công rất nhỏ, bởi hiện nay tỷ trọng cho vay theo chuỗi của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh là không đáng kể, nhất là đối với các loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh như cà phê, cao su, hồ tiêu mía… Các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm những mô hình hiệu quả để cung cấp vốn, nhưng tất cả cũng chỉ “mạnh ai nấy làm”. Điển hình như việc Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) “bắt tay” với Công ty Mía đường Đắk Lắk để thực hiện cho vay theo chuỗi cũng không thành công. Theo Trưởng phòng tín dụng doanh nghiệp Agribank Đắk Lắk Phan Thông Thái, Agribank Đắk Lắk đã ký hợp đồng tín dụng với Công ty Mía đường Đắk Lắk với số tiền 38 tỷ đồng, nhưng đến nay sau hơn 2 năm, phía đối tác mới chỉ nhận nợ hơn 7 tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ về cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, Agribank Đắk Lắk đã áp dụng một số cơ chế tín dụng đặc thù như lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1 đến 1,5%/năm (hiện nay ngắn hạn là 6,5%/năm, trung hạn 9,5%/năm, dài hạn 10%/năm), cùng mức cho vay có thể lên đến 90% giá trị của dự án. Trường hợp khách hàng không có đủ tài sản bảo đảm, ngân hàng có thể cho vay không cần tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát dòng tiền. Nếu một chuỗi liên kết có thời gian vay trên 12 tháng (nhưng không quá 18 tháng), mỗi khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ có thời gian dưới 12 tháng và khách hàng cam kết trả một phần nợ sau mỗi khâu thì ngân hàng có thể xem xét áp dụng lãi suất ngắn hạn đối với khách hàng… nhưng vẫn khó tìm dự án khả thi. Là một trong những DN có khả năng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất như cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật đến thu mua, chế biến và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, nhưng sau nhiều năm thực hiện, Công ty Cổ phần Cao Nguyên Xanh vẫn chưa thể làm được. Theo đại diện công ty, việc xây dựng chuỗi liên kết gặp nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán và nhất là tập quán sản xuất của nông dân khiến “chuẩn đầu ra” của sản phẩm không đạt yêu cầu. Do vậy, DN này đã phải từng bước thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Và như vậy, một trong những khâu quan trọng nhất, có yếu tố quyết định của chuỗi liên kết đã “gãy”.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia |
Để được xem là chuỗi liên kết sản xuất, tất cả các “mắt xích” trong chuỗi sản xuất phải bảo đảm. Do vậy, bên cạnh nỗ lực của ngân hàng, DN thì việc thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân cũng là yếu tố quan trọng để việc liên kết sản xuất mang lại hiệu quả như mong muốn.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc