Multimedia Đọc Báo in

Vay mua nhà ở xã hội: Khó chồng khó !

10:59, 05/09/2016

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) vừa ban hành hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định 100/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ. Thế nhưng, nếu theo hướng dẫn này, người có nhu cầu vay vốn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hướng dẫn trên đưa ra những quy định rất chặt chẽ liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng. Cụ thể, người vay vốn phải có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định; có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với NHCSXH. Đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, văn bản yêu cầu phải có hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư dự án mà dự án của chủ đầu tư đó có trong danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội thuộc chương trình, kế hoạch đầu tư nhà ở xã hội của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất nơi đăng ký thường trú do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đất đai; có thiết kế, dự toán hoặc phương án tính toán giá thành theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật. NHCSXH nơi cho vay, chủ đầu tư và người vay vốn phải thỏa thuận trong hợp đồng ba bên về phương thức quản lý, xử lý tài sản bảo đảm. Đối với vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, bảo đảm tiền vay bằng giá trị quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở hoặc tài sản khác theo quy định của pháp luật. Thời hạn vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Mức cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Tuy nhiên, có một quy định rất đáng chú ý là việc muốn được vay vốn thì trước hết phải... gửi. Quy định nêu rõ, điều kiện để được vay vốn là người vay vốn phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hằng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng; mức gửi hằng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hằng tháng của người vay vốn. Ngoài ra, người vay vốn cũng phải có đủ vốn tự có tối thiểu 20% giá trị hợp đồng mua bán/hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội đối với vay vốn để mua/thuê mua nhà ở xã hội; tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. (Nên nhớ, đối tượng được vay vốn theo theo Nghị định 100/NĐ-CP đều là đối tượng khó khăn như người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị... thì quy định mang tính “đối ứng”  trên quả là rất khắt khe!).

Một yếu tố khiến chương trình cho vay trên được nhiều người quan tâm là đến hết 31-12-2016, lãi suất cho vay chỉ 4,8%/năm theo Quyết định số 1013/QĐ-TTg ngày 6-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, với quy định phải gửi trước 12 tháng thì chắc chắn đến 31-12-2016 sẽ không có khoản vay nào đáp ứng được quy định để nhận mức lãi suất 4,8%. Rõ ràng, hướng dẫn cho vay của NHCSXH đang gây khó cho người có nhu cầu đi vay.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.