Multimedia Đọc Báo in

CHƯƠNG TRÌNH CHO VAY SẢN XUẤT, KINH DOANH VÙNG KHÓ KHĂN TẠI HUYỆN M'ĐRẮK

Đòn bẩy giúp người dân nâng cao đời sống

10:12, 19/10/2016

Nhiều năm qua, nguồn vốn vay từ Chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện M'Đrắk đã trở thành đòn bẩy giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện sản xuất kinh doanh hiệu quả, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân một cách bền vững.

Tuy không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nhưng điều kiện kinh tế của gia đình anh Y Sét Ksơr (tại buôn M'Suốt, xã Krông Jing) vẫn còn nhiều khó khăn, có đất sản xuất nhưng thiếu vốn đầu tư. Năm 2011, thông qua nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH huyện, anh Y Sét được vay 15 triệu đồng để chăn nuôi gia súc. Từ nguồn vốn vay, anh đã mua 1 cặp bò sinh sản. Nhờ được chăm sóc tốt, đàn bò của gia đình anh Y Sét phát triển và sinh sản nhanh. Sau 5 năm, với số vốn tích lũy từ tiền bán bò và diện tích đất sản xuất sẵn có của gia đình, anh Y Sét đã đầu tư trồng 8 ha keo, 3 ha sắn và 7 sào ruộng lúa nước. Cuộc sống của gia đình anh Y Sét đã cải thiện hơn rất nhiều, có thu nhập ổn định và bền vững.

       Nhờ được vay vốn  từ  Ngân hàng CSXH  huyện M’Đrắk,  bà Nguyễn Thị Lý  (thôn 19,  xã Cư Mta)  đã mua bò  để nuôi.     Ảnh: M.Sự
Nhờ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện M’Đrắk, bà Nguyễn Thị Lý (thôn 19, xã Cư Mta) đã mua bò để nuôi. Ảnh: M.Sự

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Lý (thôn 19, xã Cư Mta) cũng phát triển kinh tế nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay của chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH huyện. Trước đây, hoàn cảnh gia đình bà Lý rất khó khăn, chồng mất sớm, một mình bà phải lao động vất vả để nuôi 3 con ăn học. Năm 2012, thông qua tổ vay vốn của thôn, bà Lý được Ngân hàng CSXH huyện xét cho vay 20 triệu đồng để mua 1 cặp bò sinh sản. Nhờ nguồn thức ăn sẵn có từ việc trồng cỏ và phụ phẩm từ trồng trọt, mỗi năm gia đình bà Lý xuất bán 1 con bê với giá từ 14-15 triệu đồng. Với số tiền bán bê mỗi năm cộng thêm thu nhập từ trồng trọt, sau 3 năm bà Lý đã trả cả vốn và lãi cho ngân hàng, đồng thời có điều kiện mua thêm đất sản xuất trồng thêm 2 ha rừng keo, mua xe ôtô 7 chỗ để chạy dịch vụ tăng thu nhập cho gia đình.

Theo Quyết định số 306/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức cho vay đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, từ ngày 15-3-2016, các hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn sẽ được vay tối đa là 50 triệu đồng thay vì 30 triệu đồng như trước đây. Trong một số trường hợp cụ thể, mức vốn vay của một hộ có thể trên 50 triệu đồng, căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ sản xuất kinh doanh để quy định mức cho vay cụ thể, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng.  Ông Hồ Xuân Dựng, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện M’Đrắk cho biết: Ngay sau khi quyết định có hiệu lực, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với các hội đoàn thể, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin cho các đối tượng vay vốn về những quy định mới trong việc cho vay vốn đối với các hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Khi triển khai giải ngân nguồn vốn, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đều thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Từ năm 2007 đến nay, huyện M’Đrắk đã có 1.800 lượt hộ dân được vay vốn từ Chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn với tổng dư nợ trên 44 tỷ đồng (mức vay trung bình khoảng 15 triệu đồng/hộ). Hầu hết các hộ đã sử dụng nguồn vốn đầu tư vào chăn nuôi và trồng trọt hiệu quả, từ đó có nguồn thu nhập ổn định và cuộc sống được cải thiện đáng kể. 

Mỹ Sự

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.