Khi nông dân làm cà phê bền vững
Hiện nay, huyện Cư M’gar đã thành lập được hơn 30 hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế như: 4C, UTZ, cà phê công bằng… Hướng đi này đã mang lại hiệu quả cho nhiều nông hộ.
Gia đình ông Ngô Văn Bình, ở tổ dân phố 7, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) có hơn 1,8 ha cà phê kinh doanh. Những năm trước, do bị sâu bệnh hại, thiếu nước tưới… nên vườn cà phê của gia đình ông Bình bị giảm năng suất nghiêm trọng. Được cán bộ Phòng NN-PTNT huyện tư vấn, ông quyết định tham gia câu lạc bộ Phát triển cà phê bền vững. Từ khi tham gia Câu lạc bộ, ông Bình được hướng dẫn khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cà phê như: Tưới nước tiết kiệm 350 - 400 lít/gốc, dùng thiên địch để phòng trừ sâu bệnh hại; bón phân cân đối, hợp lý, đúng thời điểm… nên chỉ sau 2 năm, năng suất vườn cà phê được cải thiện rõ rệt, đạt 4 đến 5 tấn nhân/ha. Ông Bình nói: “Sản xuất cà phê bền vững lúc đầu tuy có khó khăn do phải thay đổi cách làm nhưng một khi đã nắm vững kỹ thuật thì không thấy khó nữa. Trồng cà phê theo chứng nhận hiệu quả kinh tế tăng hơn so với cách làm truyền thống”.
Người dân thôn 8, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) chăm sóc vườn cà phê bền vững. |
Có thể nhận thấy việc người trồng cà phê chủ động thành lập, tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác và các câu lạc bộ cà phê bền vững đã giúp họ chia sẻ, cập nhật thông tin về thời tiết nông vụ; tình hình dịch hại trên cây cà phê; quan trọng hơn là qua những mô hình này đã kết nối thành công 4 nhà (nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước) trong quá trình phối hợp sản xuất.
Bên cạnh đó, nhờ được tham gia các lớp tập huấn kiểm soát an toàn, bền vững suốt quá trình sản xuất nên các hộ dân tham gia trồng cà phê theo hướng bền vững đã ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn nước, môi trường; tăng cường trồng các loại cây che bóng giữ ẩm và cải tạo đất; loại bỏ thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; bảo đảm đúng các quy trình kỹ thuật liền mạch từ khâu chăm sóc, thu hái và chế biến để làm ra những sản phẩm cà phê có chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Ea Kiết, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) chia sẻ: “Để nâng cao kiến thức về phát triển cà phê bền vững, hằng năm đơn vị đều tổ chức từ 3 đến 4 đợt tập huấn cho xã viên về khoa học kỹ thuật, an toàn lao động và vệ sinh thực phẩm. Mỗi tháng, HTX xây dựng kế hoạch, chương trình cho từng tổ đội sản xuất tuyên truyền cho người dân nhằm nâng cao nhận thức về chương trình phát triển cà phê bền vững”.
Huyện Cư M’gar có hơn 35.500 ha cà phê, trong đó hơn 15.000 ha cà phê có chứng nhận với gần 10.000 hộ tham gia, mỗi năm cung cấp trên 37.000 tấn cà phê theo bộ quy tắc 4C, UTZ, RFA và cà phê công bằng. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiệu quả mang lại của sản xuất cà phê có xác nhận, chứng nhận đã rõ. Vì vậy chủ trương của huyện là nâng diện tích cà phê theo hướng bền vững lên khoảng 30.000 ha ở những vùng có điều kiện. Phát triển cà phê bền vững giúp người dân tiếp cận được khoa học kỹ thuật, giá trị cà phê được nâng lên, môi trường sinh thái được bảo vệ một cách bền vững”.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc