Multimedia Đọc Báo in

Thách thức trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước - Kỳ cuối

09:19, 04/10/2016

 

Kỳ cuối:  Chặng đường còn gian nan

Sắp xếp, cơ cấu lại để DNNN thu hút vốn đầu tư từ người lao động, huy động vốn xã hội, giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước, quan trọng hơn là xóa bao cấp, giao quyền làm chủ cho người lao động, loại bỏ tính ỷ lại của DN. Tuy nhiên, để có thể đứng vững trên đôi chân của mình, với DNNN là cả chặng đường gian nan.

Nhiều DN còn “trượt dài” trong thua lỗ

Đánh giá hoạt động của khối kinh tế Nhà nước trong giai đoạn 2011-2015, cho thấy, tuy các DNNN đã được sắp xếp chuyển đổi từ năm 2010 nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường, còn nhiều yếu kém về năng lực quản lý, chưa chủ động, sáng tạo trong liên doanh, liên kết, thu hút vốn đầu tư. Các DN nông lâm nghiệp để xảy ra tranh chấp đất đai, khiếu kiện kéo dài, không giải quyết dứt điểm.

Năm 2013, hệ số bảo toàn vốn chủ sở hữu chung của DNNN là 1,22%, trong đó có 12 DN bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước chiếm 41,4%, 7 DN bảo toàn được vốn Nhà nước chiếm 24,1% và 10 DN kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, không bảo toàn được vốn Nhà nước chiếm 34,5%. Năm 2014, hệ số bảo toàn vốn chủ sở hữu chung là 1,05%, trong đó có 8 DN bảo toàn được vốn Nhà nước, 9 DN phát triển được vốn Nhà nước và 12 DN không bảo toàn được vốn Nhà nước.

Lợi nhuận chung của toàn ngành giảm dần qua các năm, tổng lợi nhuận năm 2014 chỉ bằng 25% so với năm 2011 (tương đương giảm 236 tỷ đồng). Trong đó, Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk có lợi nhuận năm 2013 là 70,142 tỷ đồng, nhưng năm 2014 chỉ đạt 312 triệu đồng. Tình hình hoạt động sản xuất của công ty bị ảnh hưởng nhiều do giá cao su trên thị trường giảm mạnh, nhiều diện tích vườn cây đã qua đỉnh năng suất, các công ty con, công ty liên kết của Công ty TNHH MTV Cao su đầu tư vốn vào hoạt động không hiệu quả gây lỗ như: Công ty Cổ phần chỉ thun Đắk Lắk lỗ lũy kế hơn 90 tỷ đồng, Công ty CP TMDL Bản Đôn lỗ lũy kế hơn 26 tỷ đồng.

             Thu hoạch mủ cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su  Đắk Lắk.
Thu hoạch mủ cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk.

Chỉ có một số doanh nghiệp hoạt động ổn định, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước như các công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi, Phước An, Ea Pôk; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông; công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết, Đô thị và môi trường. Còn các đơn vị khác, thua lỗ nhiều năm liên tục như Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Krông Ana thua lỗ liên tiếp từ năm 2009; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Phả lỗ liên tục từ năm 2011; các công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea H’leo, Thuần Mẫn, Rừng Xanh thua lỗ liên tục từ năm 2012...

Tổng số lỗ lũy kế của các DNNN năm 2014 là 103,4 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH MTV: Cà phê - Ca cao Krông Ana có lỗ lũy kế nhiều nhất với 53,4 tỷ đồng, chiếm 52%. Các DN hoạt động có lãi trong năm, bù đắp được lỗ lũy kế là các công ty TNHH MTV cà phê Tháng 10 (giảm 1,3 tỷ đồng), cà phê Buôn Ma Thuột (giảm 708 triệu đồng), lâm nghiệp Phước An (giảm 82 triệu đồng) và lâm nghiệp M’Đrắk bù đắp được hoàn toàn lỗ lũy kế. Công ty TNHH MTV Buôn Za Wầm mới phát sinh lỗ lũy kế với 1,96 tỷ đồng…

Tái cơ cấu toàn diện DNNN vẫn còn nhiều vướng mắc

Thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, Đắk Lắk tiếp tục đổi mới toàn diện các DNNN theo lộ trình từ năm 2016-2020. Trong đó, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với 6 công ty lâm nghiệp; chuyển Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk thành Ban quản lý rừng phòng hộ. Số DN còn lại, thành lập công ty TNHH hai thành viên đối với 9 công ty nông lâm nghiệp, cổ phần hóa 8 DNNN; giữ nguyên mô hình hoạt động 2 DN công ích, dịch vụ; kiên quyết giải thể đối với 3 DN làm ăn thua lỗ kéo dài…

Đến nay, 6 công ty lâm nghiệp thuộc diện duy trì, củng cố, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã được hướng dẫn thực hiện kiểm kê, xử lý tài sản, công nợ, xây dựng phương án sử dụng đất, lao động. Trong số 8 DNNN thuộc diện cổ phần hóa, 2 DN đến nay chưa được Chính phủ phê duyệt phương án nên sẽ điều chỉnh thời gian quyết định cổ phần, số còn lại đang tiến hành kiểm kê, xác định lại giá trị tài sản, đối chiếu công nợ... Riêng đối với Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk đã thực hiện thoái vốn NN đối với dự án đầu tư và chăm sóc cao su tại tỉnh Kon Tum và Công ty Cổ phần thương mại và du lịch Bản Đôn. Hiện nay, đơn vị đang hoàn tất thủ tục để bán đấu giá chuyển nhượng cụm dịch vụ khách sạn Dakruco.

Còn việc thành lập công ty TNHH hai thành viên, hiện cũng đối mặt với nhiều khó khăn: tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu kiện kéo dài đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm; chưa tìm được đối tác phù hợp hoặc đối tác không tuân thủ các cam kết nên không thể hợp tác, bắt buộc phải tìm kiếm đối tác khác… Hiện nay, vẫn còn 2 công ty chưa tìm được đối tác tham gia góp vốn. Tiến độ giải thể đối với 3 công ty nông nghiệp cũng chưa đạt yêu cầu đề ra do vướng mắc về giải quyết công nợ, tranh chấp đất đai… Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao Krông Ana và Cà phê Dray H’ling còn nợ 1,7 tỷ đồng BHXH của người lao động, Ban đổi mới và Phát triển DN tỉnh đang đề nghị UBND tỉnh cho ứng từ ngân sách để giải quyết chốt sổ BHXH cho người lao động, DN sẽ hoàn ứng từ nguồn thu xử lý tài sản trong quá trình thực hiện giải thể.  

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc