Ea Ô tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, trong những năm qua, Đảng bộ xã Ea Ô (huyện Ea Kar) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Hướng đi hiệu quả
Mặc dù đã chuyển từ trồng cà phê sang buôn bán vật liệu xây dựng và phân bón nhưng qua các cuộc họp thôn, nắm bắt chủ trương của địa phương phát triển kinh tế theo hướng đa cây, đa con, chị Lê Thị Lý ở thôn 8 nảy ra ý tưởng thành lập vườn ươm cây giống. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay vườn ươm của gia đình chị cho hiệu quả rõ rệt, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong tỉnh 400.000 cây giống các loại, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với nguồn thu nhập ổn định khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Không những vậy, thời gian gần đây, một số thương lái đã tìm đến vườn ươm của chị đặt hàng khoảng 600.000 cây giống mỗi năm để cung cấp cho nông dân nước bạn Lào và Campuchia.
Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Ô thăm mô hình trồng gấc của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn 8. |
Gia đình anh Trần Văn Tiến ở thôn 11, có 2 sào đất trồng rau các loại theo cách truyền thống nên nhiều năm liền, thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Tháng 6-2012, khi Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 11 thành lập, gia đình anh đã tham gia. Sau đó, anh được tiếp cận với mô hình trồng cây cà tím Nhật Bản theo tiêu chuẩn VietGap nên quyết định cải tạo đất, chuyển đổi sang trồng loại cây này. Theo tính toán của anh Tiến thì cây cà tím cho thu liên tục trong 6 tháng nên 2 sào đạt sản lượng gần 18 tấn, giá bán từ 2.000-8.500 đồng/kg tùy loại, tính ra lãi gấp 5 lần so với trồng các loại rau thông thường, lại không phải lo đầu ra.
Trong lúc đang phân vân vì chưa biết sau khi phá bỏ 2 sào điều hết thời kỳ kinh doanh sẽ chuyển sang canh tác loại cây trồng nào thì gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn 8 được người họ hàng giới thiệu về cây gấc – một cây trồng mới ở địa phương nên quyết định trồng thử nghiệm vào đầu năm 2015. Chị Hoa cho biết: “Trồng gấc tuy phải đầu tư làm giàn khá công phu nhưng đây là loại cây dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chỉ sau 1 năm đã cho thu bói được hơn 2 tấn, bán với giá từ 4.500-6.000 đồng/kg và thời gian thu trái kéo dài từ 15-20 năm. Phía dưới giàn gấc, gia đình tôi tận dụng trồng cỏ nuôi bò nên hiệu quả kinh tế cao hơn trước”.
Đồng thuận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Để giúp người dân phát triển kinh tế đồng thời thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Ea Ô xác định cần tập trung mọi nguồn lực lãnh đạo, chỉ đạo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Đảng bộ xã đã lấy ý kiến đóng góp của đảng viên các chi bộ để ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế nhằm tạo sự đồng thuận cao. Đồng thời, vận động, khuyến khích cán bộ, đảng viên của 31 chi bộ tích cực gương mẫu, đi đầu trong việc đưa các loại giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Xã đã thành lập 3 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác và nhiều mô hình liên kết giúp nhau phát triển sản xuất, qua đó chủ động tìm kiếm thị trường, ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Các đoàn thể đã phối hợp với công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho người dân; phát triển nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như nuôi bò, heo theo quy mô trang trại, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, sản xuất rau an toàn và đưa vào thử nghiệm để nhân rộng các loại cây trồng mới như gấc, cà tím, chanh dây…
Bên cạnh đó, người dân trong xã cũng được “hưởng lợi” từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất: hỗ trợ giống lúa, ngô, gà thả vườn, bò sinh sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, rau an toàn… Nhờ vậy, xã đã chuyển đổi được gần 300 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế; tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã đã phát triển trên 142.000 con, tăng 42.000 con so với năm 2010.
Theo đánh giá của Bí thư Đảng ủy xã Vũ Quang Đôn, việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đã đem lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ hạn chế rủi ro mà còn giúp người dân tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Năm 2015, sản lượng lương thực của xã Ea Ô đạt 23.161 tấn, tăng 7.933 tấn so với năm 2010; giá trị sản xuất đạt 426 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 24 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,93% (theo chuẩn mới). Trong 5 năm (2011-2015), người dân trong xã đã đóng góp 111,6 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần đưa Ea Ô đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016. |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc