Multimedia Đọc Báo in

Lòng vòng... nợ đọng

09:52, 22/11/2016

Bên lề một hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN), nhiều DN không ngần ngại thừa nhận khi làm công trình nhà nước các nhà thầu phải tự bỏ vốn, sau đó mới quyết toán. Nếu có nhận được vốn, cũng chỉ là nhỏ giọt.

Chuyện làm công trình nhà nước bị nợ thanh toán 6 tháng hay 1 năm gần như là chuyện bình thường. Nhiều công trình nợ từ 2 đến 3 năm, có công trình 5 năm vẫn chưa được thanh toán.  Mặc dù biết xây dựng các công trình vốn ngân sách sẽ bị nợ, nhưng DN cũng phải cố gắng làm vì còn duy trì mối quan hệ với địa phương. Để có tiền thi công các công trình nhà nước, hầu hết DN nhỏ đều phải vay vốn ngân hàng, dùng tiền từ dự án này đập vào dự án kia. Nợ chéo tạo ra vòng luẩn quẩn khiến nhiều DN, ngân hàng lâm vào cảnh khó khăn.

Như một DN chia sẻ, mặc dù công trình đã nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng hiện nay Nhà nước vẫn nợ đơn vị 1,6 tỷ đồng. Tuy đã được các ngành chức năng, chính quyền địa phương nỗ lực tháo gỡ và đã được bố trí nguồn vốn thanh toán, nhưng với việc nợ đọng quá lâu cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Hay như những công trình sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, do yếu tố trượt giá và tăng quy mô nên Quốc hội không tiếp tục bố trí vốn Trái phiếu Chính phủ để thanh toán cho các khoản phát sinh sau đó mà yêu cầu các địa phương phải bố trí ngân sách tỉnh để thanh toán. Trong khi đó, những năm gần đây nguồn ngân sách tỉnh gặp nhiều khó khăn, và chỉ tập trung thanh toán nợ cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp đang sử dụng nguồn ngân sách tỉnh. Do đó không ít công trình, dự án gặp khó trong thanh toán, chỉ được ngành chức năng hứa hẹn đang “tìm nguồn”.

Nợ đọng XDCB không chỉ làm gia tăng nợ công mà còn kéo theo nhiều hậu quả và hệ lụy tiêu cực cho kinh tế xã hội. Khi các nhà thầu không có đủ vốn để thi công thì họ tất yếu sẽ phải vay nợ ngân hàng, nợ các doanh nghiệp cung ứng vật liệu, nợ lương công nhân, nợ thuế Nhà nước, dẫn đến chiếm dụng vốn lẫn nhau. Từ đó sản sinh hàng loạt rủi ro tiêu cực về khả năng thanh toán nợ, gây ra tình trạng bất ổn về tài chính cả trong ngắn và dài hạn không chỉ cho riêng các nhà thầu xây lắp mà cho hàng loạt các doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thiết bị, kéo theo đó là đời sống và việc làm của người lao động rơi vào thế bấp bênh... Mọi hệ lụy sẽ còn dây dưa không biết đến bao giờ khi cái nợ “gốc” chưa được tập trung xử lý triệt để.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.