Nông dân Cư Prao thoát nghèo nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Xã Cư Prao (huyện M’Đrắk) là xã thuần nông, có thế mạnh phát triển cây nông nghiệp ngắn ngày với diện tích mía, mè, ngô lớn nhất huyện.
Trong những năm qua, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết và biến đổi khí hậu, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã cải thiện kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Gia đình ông Lưu Văn Nghệ (thôn 3) là một điển hình trong tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở địa phương theo hướng trồng cây đinh lăng và cây ăn quả. Năm 2001, ông Nghệ mua giống cây đinh lăng về trồng thử nghiệm xung quanh vườn, sau đó nhân rộng trên 1 ha xen canh dưới tán cây ăn quả như: xoài, nhãn và điều. Đến nay, mỗi năm gia đình ông thu hoạch 5 tạ cành đinh lăng giống, 2 tấn lá, kết hợp với ươm 10.000 cây giống. Ông Nghệ còn trồng 2 sào hồ tiêu xen canh với chanh dây vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa che bóng mát giúp cây tiêu phát triển tốt. Hiệu quả từ mô hình xen canh này mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương. Gia đình ông Nguyễn Thế Điệt (thôn 8) lại chọn hướng sản xuất đa cây để thu hoạch luân phiên quanh năm. Hiện nay, ông Điệt trồng 2 sào gấc, 2 sào khoai môn, 2 sào đậu tương cao sản, 2 sào nghệ cà rốt và 1 ha gừng; trong đó, chỉ tính riêng cây nghệ cà rốt cho năng suất khoảng 2 tấn củ/sào, với giá bán trên 20.000 đồng/kg, gia đình ông đã có thu nhập hàng chục triệu đồng mà không phải tốn nhiều công chăm sóc và nước tưới. Hay như gia đình ông Lê Quang Vinh (thôn 9) trước đây thường trồng mía trên diện tích hơn 7 ha. Những năm gần đây, do thời tiết nắng hạn kéo dài khiến diện tích mía của gia đình thất thu. Năm 2015, ông Vinh quyết định chuyển 1,4 ha mía sang trồng gấc với chi phí đầu tư ban đầu hơn 100 triệu đồng, năm đầu tiên đã cho thu bói trên 5 tấn quả, giá bán 5.000 đồng/kg, thu 25 triệu đồng. Năm nay, vườn gấc của gia đình ông Vinh ước đạt 40 tấn quả/ha, với giá bán 6.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Trước thực tế biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nông dân trên địa bàn xã đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển các loại giống mới, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nhờ dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân đã phát triển kinh tế ổn định từ việc mạnh dạn chuyển cơ cấu cây trồng. |
Theo thống kê của Hội Nông dân xã Cư Prao, đến nay, nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 14 ha gấc, 20 ha nghệ và các loại cây màu khác, bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Để hỗ trợ nông dân, trong thời gian qua, Hội Nông dân xã cũng đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi nhằm nâng cao kiến thức cho người dân; giới thiệu các loại giống mới như: ngô biến đổi gen NK67, NK 73-28; giống đậu tương cao sản; tập huấn cho nông dân các buôn dân tộc thiểu số về kỹ thuật phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng…
Tiến Đức
Ý kiến bạn đọc