Niềm vui trên cánh đồng mẫu lớn Hòa Bình
Với quy mô 20 ha, cánh đồng mẫu lúa Hòa Bình ở xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ) đang mang lại nhiều triển vọng cho người trồng lúa nơi đây về hiệu quả kinh tế, góp phần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, phương thức sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Tuấn Anh, Trưởng Phòng Kinh tế UBND thị xã Buôn Hồ cho biết, được triển khai từ tháng 5-2016, đây là mô hình sản xuất tập trung có sự hỗ trợ của Nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn kỹ thuật... Được Nhà nước hỗ trợ 100% về giống cùng với 50% chi phí phân bón lót, thuốc bảo vệ thực vật, để bảo đảm điều kiện sản xuất phải trên diện tích liền vùng, liền thửa, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động 125 hộ dân có ruộng trên cánh đồng này cùng đồng thuận triển khai. Giống lúa được chọn là Bắc thơm 9, thuộc giống cảm ôn ngắn ngày có thời gian sinh trưởng từ 106-135 ngày, khả năng thích ứng rộng, năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, đã được thử nghiệm trên một số cánh đồng ở các tỉnh phía Bắc.
Cánh đồng lúa mẫu lớn Hòa Bình, xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ) đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân. |
Sản xuất trên cánh đồng mẫu yêu cầu người nông dân phải thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu giống, vật tư phân bón, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa sản xuất và công tác quản lý đồng ruộng nhằm tạo ra một chuỗi sản phẩm hợp lý. Theo ông Hồ Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, để bảo đảm các yêu cầu trên, lãnh đạo xã cùng với cán bộ khuyến nông, cán bộ thôn đề ra kế hoạch chi tiết, có lịch trình công tác từng ngày, đồng thời thành lập các tổ sản xuất để có sự phân chia và quản lý, theo dõi công việc đồng áng được chặt chẽ hơn. Ngay trong khâu chọn giống, địa phương cũng có những bước đi cẩn trọng. Đó là, trước khi đưa vào gieo sạ tập trung trên diện tích lớn, xã đã quyết định trồng thử nghiệm 2 sào trên diện tích đất của gia đình đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Minh Thủy. Quá trình sinh trưởng của loại giống lúa này được theo dõi chặt chẽ, ghi chép đầy đủ về các đặc tính cũng như khả năng kháng sâu bệnh, năng suất, sản lượng. Sau khi thu hoạch, gạo lúa mới này được đưa về cho người dân nấu ăn thử. Thấy giống lúa được trồng thử nghiệm kháng bệnh tốt, năng suất cao, cơm ngọt, dẻo nên bà con càng yên tâm hơn trong lựa chọn đưa vào sản xuất trên đồng ruộng của mình. Ông Phùng Văn Tuyển, thôn Buôn Bon 2 chia sẻ, bước vào đầu vụ, mô hình gặp ngay đợt hạn hán khắc nghiệt nhất của Tây Nguyên, nhưng do gieo cấy tập trung nên nguồn nước đã được chủ động, diện tích bị hạn không đáng kể. Vì xuống giống tập trung, cùng thời điểm, vào vụ thu hoạch lúa chín đồng loạt nên chỉ trong 2 ngày, người dân đã thu hoạch gọn gàng 20 ha bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần tiết kiệm thời gian, công lao động.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế UBND thị xã Buôn Hồ, tổng chi phí đầu tư cho cánh đồng là 529,5 triệu đồng (lúa giống 64,8 triệu đồng, phân bón 131,3 triệu đồng, nông dược 4,4 triệu đồng, công chăm sóc, thu hoạch 309 triệu đồng, chi phí khác 20 triệu đồng), trong đó, Nhà nước hỗ trợ 137,25 triệu đồng. Với năng suất đạt 8 tạ/sào (năng suất cao nhất từ trước đến nay), sản lượng đạt 160 tấn, tổng thu cánh đồng mang lại khoảng 928 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, người dân thu về 398,5 triệu đồng, bình quân lợi nhuận đạt 19,925 triệu đồng/ha (cao hơn 5% so với sản xuất bình thường).
Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn về lúa và cây màu được kỳ vọng là tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh nói chung và trên địa bàn thị xã Buôn Hồ nói riêng. Từ kết quả mô hình này, chính quyền xã Bình Thuận đang xây dựng kế hoạch nhân rộng trên các cánh đồng khác, góp phần vào việc thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tổng chi phí đầu tư cho cánh đồng 529,5 triệu đồng, tổng thu cánh đồng mang lại khoảng 928 triệu đồng.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc