Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới: "Nút thắt" vẫn là… vốn!

12:29, 17/02/2017

Kết thúc năm 2016, toàn tỉnh có 20 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tuy nhiên vẫn không đạt mục tiêu đề ra là 23 xã. Một trong những vấn đề nan giải khiến các xã chưa thể cán đích theo đúng kế hoạch là do thiếu kinh phí…

Khó về đích vì thiếu vốn

Mục tiêu của huyện Krông Pắc là trong năm 2016 sẽ có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, trong đó các xã Ea Kênh, Hòa An, Tân Tiến thực hiện đạt chuẩn trong quý II, còn xã Ea Kuăng thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này các xã trên vẫn chưa thể cán đích theo đúng kế hoạch do thiếu vốn đầu tư, nhất là vốn dành cho tiêu chí giao thông. Đơn cử như xã Ea Kuăng hiện còn duy nhất tiêu chí số 2 (giao thông) vẫn chưa hoàn thành. Để đạt tiêu chí số 2, xã phải nhựa hóa hoặc bê tông hóa 1,78 km đường liên xã Ea Kuăng – Ea Hiu; bê tông xi măng 7,5 km đường trục thôn; cứng hóa 5,86 km đường ngõ xóm; cứng hóa 6,59 km đường trục chính nội đồng. Chỉ tính riêng kinh phí xây dựng đường trục thôn, ngõ xóm, nội đồng xã cần trên 11 tỷ đồng. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắc, năm 2016 huyện được Trung ương, UBND tỉnh bố trí trên 15,4 tỷ đồng; UBND huyện bố trí trên 6,6 tỷ đồng vốn xây dựng NTM. Tuy nhiên, ngân sách tỉnh bố trí chỉ đạt 22,3% nhu cầu vốn đề nghị hỗ trợ; ngân sách huyện bố trí đạt 20,9% nhu cầu vốn nên các tiêu chí cần nguồn vốn lớn như giao thông, thủy lợi... không hoàn thành đúng tiến độ.

Sử dụng vật liệu Carboncor Asphalt thi công đường giao thông nông thôn tại xã Ea Ô, huyện Ea Kar.
Sử dụng vật liệu Carboncor Asphalt thi công đường giao thông nông thôn tại xã Ea Ô, huyện Ea Kar.

Trên thực tế, thiếu vốn đang là vấn đề nan giải của hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhiều xã không cán đích NTM theo đúng kế hoạch đều vướng các tiêu chí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Văn phòng điều phối Xây dựng NTM của tỉnh cho biết, theo Công văn số 8836/BKHĐT-TH ngày 24-10-2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 và năm 2017, tổng nguồn vốn được phân bổ từ nguồn ngân sách Trung ương cho tỉnh là 570,6 tỷ đồng; kế hoạch năm 2016 đã phân bổ 19,9 tỷ đồng, còn 550,7 tỷ đồng cho 4 năm còn lại, bình quân 137,67 tỷ đồng/năm (905,7 triệu đồng/xã). Tuy nhiên, do đặc thù là tỉnh miền núi nên có nhiều khó khăn như địa hình phức tạp, địa bàn rộng, diện tích xã bình quân của tỉnh là hơn 8.300 ha/xã (bình quân cả nước là 2.970 ha/xã); dân cư phân tán nên việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ở nhiều xã khó thực hiện đạt chuẩn do kinh phí đầu tư quá lớn (bình quân 200 tỷ đồng/xã), trong khi vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương còn quá ít so với nhu cầu của địa phương.

Cần nhanh chóng tháo gỡ

Theo Quyết định 1600/QĐ-TTg, ngày 16-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, toàn quốc có 50% số xã đạt chuẩn NTM, riêng Đắk Lắk là 43%. Đến nay, toàn tỉnh đạt 1.699/2.888 tiêu chí, bằng 58,8%; bình quân toàn tỉnh đạt 11,18 tiêu chí/xã; số xã cơ bản đạt chuẩn NTM là 20 xã, đạt 13,2%, trong khi kế hoạch là 15%, tương ứng 23 xã. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các xã về đích đều là những xã có kinh tế - xã hội phát triển ở mức cao của tỉnh, số xã còn lại là những xã khó khăn, số tiêu chí chưa đạt còn nhiều, trong đó 50% là tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng, trong khi nguồn lực huy động còn hạn chế. Riêng nguồn vốn xây dựng NTM của các địa phương chủ yếu từ tiền bán đất nhưng số địa phương bán đất được tập trung phần lớn ở một số xã gần đô thị (số này cũng đã thuận lợi và đạt chuẩn NTM giai đoạn trước), số xã còn lại vùng nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa thì không thể trông chờ vào nguồn vốn này. Do vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2020 Đắk Lắk có 40% số xã đạt chuẩn NTM (60 xã) là rất khó nếu không được Trung ương hỗ trợ cho các xã khó khăn.

Thi công đường giao thông nông thôn tại xã Ea Tul, huyện Cư M’gar .
Thi công đường giao thông nông thôn tại xã Ea Tul, huyện Cư M’gar .

Tìm giải pháp tháo gỡ nút thắt về vốn, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Krông Pắc cho rằng, ngoài việc tăng cường huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân còn cần phải xem xét một số chính sách để việc huy động phù hợp đạt hiệu quả. Đơn cử như cơ chế hỗ trợ xây dựng kênh mương nội đồng tại Nghị quyết số 173/2015/NQ-HĐND ngày 3-12-2015 của HĐND tỉnh chỉ hỗ trợ tương ứng 18% tổng chi phí, HĐND huyện cũng đã có Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 11-8-2016 hỗ trợ thêm 100% chi phí thép xây dựng. Tuy nhiên mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cũng chỉ đạt mức 30%; 70% chi phí còn lại phải huy động nhân dân đóng góp và các nguồn lực hợp pháp khác là không đơn giản.

Theo Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh, hiện nay do thiếu vốn nên tiến độ triển khai chương trình đang khá chậm khiến mục tiêu hoàn thành nhiều tiêu chí còn khá xa. Do đó, Trung ương cần có những cơ chế, chính sách đặc thù cho các xã vùng Tây Nguyên, đặc biệt là trong hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất.    

Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cho biết, trong thực hiện 19 tiêu chí NTM trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có 3 tiêu chí đạt cao là quy hoạch (152 xã), thông tin truyền thông (142 xã), y tế (147 xã). Còn các tiêu chí liên quan đến xây dựng cơ hạ tầng đều đạt rất thấp như tiêu chí giao thông (28 xã), cơ sở vật chất văn hóa (26 xã), môi trường (57 xã). Ngoài ra, toàn tỉnh vẫn còn 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí như xã Cư San (huyện M'Đrắk); xã Ya Lốp, Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp). 

 

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc