Multimedia Đọc Báo in

Hoạt động xúc tiến thương mại: Hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp địa phương

14:15, 16/04/2017

Với việc tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) tỉnh đã hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp (DN) quảng bá, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa DN các địa phương với nhau. Nhiều DN của tỉnh đã gặp gỡ được đối tác, kết nối giao thương để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của mình.

Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu trao đổi, tìm hiểu thông tin về sản phẩm tại một hội nghị kết nối giao thương được tổ chức tại Đắk Lắk.
Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu trao đổi, tìm hiểu thông tin về sản phẩm tại một hội nghị kết nối giao thương được tổ chức tại Đắk Lắk.

 

Trong đó, hội chợ - triển lãm là một trong những hoạt động được Trung tâm chú trọng, đặc biệt là các hội chợ chuyên ngành, hội chợ thuộc Chương trình XTTM quốc gia. Riêng trong năm 2016, đơn vị đã hỗ trợ cho hơn 110 lượt DN tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước với 252 lượt gian hàng. Có thể kể đến như Hội chợ Quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây tại Đà Nẵng (tổ chức từ ngày 28-7 đến 2-8-2016) có 4 gian hàng của 3 DN trong tỉnh tham gia; vận động và hỗ trợ trưng bày sản phẩm cho 15 DN với 78 gian hàng tham gia Hội chợ Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2016 (diễn ra từ ngày 9 đến 15-6-2016 tại TP. Buôn Ma Thuột). Đặc biệt, Trung tâm đã hỗ trợ 3 DN của tỉnh (gồm Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái, Công ty Cổ phần lương thực vật tư nông nghiệp Đắk Lắk) tham gia gian hàng triển lãm, giới thiệu thành phố tiêu biểu của các nước tại Hội chợ, triển lãm thương mại Trung Quốc – ASEAN lần thứ 13 năm 2016 (từ ngày 11 đến 14-9) ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Qua đó, nhiều sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh như cà phê, tiêu, trái bơ, ca cao, mật ong, rượu cần, cơ khí, thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ… đã được tập trung quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến các DN của các nước trong khối ASEAN. Theo ông Nguyễn Tú, Giám đốc Trung tâm, các DN tham gia hoạt động XTTM do Trung tâm tổ chức là các DN uy tín, có sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương được chọn lọc phù hợp  theo các chương trình, do vậy thu hút được sự quan tâm của các DN đối tác. Trong những lần diễn ra hội chợ, triển lãm, khu vực trưng bày hàng hóa của tỉnh luôn đón nhiều lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, đáng mừng nhất là đã có nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh cà phê, bơ, ca cao… được ký giữa các DN Đắk Lắk với DN trong và ngoài nước.

 
“Thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến quảng bá hơn nữa để sản phẩm của Đắk Lắk có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, chú trọng cung cấp thông tin về thị trường, giá, cũng như đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm chất lượng của địa phương nhằm hỗ trợ DN của tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm khách hàng mới” 
 
Ông Nguyễn TúGiám đốc Trung tâm XTTM tỉnh

Trong chiến lược tìm kiếm  đối  tác tiêu thụ sản phẩm của địa phương, Trung tâm còn tổ chức đoàn tham gia hội nghị kết nối cung - cầu, khảo sát liên kết tiêu thụ sản phẩm của địa phương tại các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu... Đây là dịp để DN, nhà chức trách cùng các đầu mối gặp gỡ, tìm hiểu thông tin, cơ hội nhằm tăng cường liên kết để phát triển giữa các địa phương. Thông qua cuộc gặp gỡ này, nhiều DN đầu mối ở các tỉnh, thành phố nói trên cho rằng, Đắk Lắk là thị trường giàu tiềm năng để DN tỉnh ngoài có thể đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm hàng tiêu dùng như nước mắm, miến khô, hải sản đã qua chế biến… vào đây. Đồng thời, bày tỏ mong muốn hợp tác, mở rộng thị trường, phân phối sản phẩm mà không phải qua khâu trung gian để mang đến mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng tại thị trường Đắk Lắk. Còn các DN Đắk Lắk như cà phê Thơ Dũng (huyện Cư M’gar), Tiến Cường, Dakado (TP. Buôn Ma Thuột), Hợp tác xã ca cao Ea Kar… cũng đã trao đổi thông tin về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng các sản phẩm cà phê bột, bơ, ca cao, hạt mắc-ca với các DN tỉnh bạn. Cũng từ hoạt động này, trong năm 2016 đã có hơn 50 hợp đồng cung ứng sản phẩm được ký kết giữa DN Đắk Lắk và DN các tỉnh. Chị Phạm Thị Thanh Trinh, đại diện thương hiệu Dakado cho biết, qua khảo sát, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh trên khá lớn, vấn đề còn lại là làm thế nào để bắt tay với nhà phân phối tại mỗi địa phương để đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm.

Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.
Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

Với sự nỗ lực của Trung tâm XTTM tỉnh, có thể nói, đây là hoạt động thiết thực làm “cầu nối” trong xúc tiến thương mại, giúp DN tiếp cận các thị trường mới. Quan trọng hơn, đã hỗ trợ thông tin để DN địa phương có cái nhìn rõ nét hơn về đối tác trước khi mang sản phẩm hàng hóa của mình vào thị trường mới, để từ đó, mỗi DN dễ dàng hoạch định cho mình những chiến lược kinh doanh phù hợp với yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.