Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng

10:28, 19/04/2017

Để siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả, ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.

Những dấu hiệu tích cực

Tình trạng chèo kéo khách từ các nhà vườn giảm là ghi nhận về sự tiến bộ đầu tiên của cơ quan chức năng khi thực hiện đợt thanh tra định kỳ vào những ngày cuối tháng 3 đầu tháng tư này. Qua kiểm tra, một số cơ sở đã xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống như Giấy phép đăng ký kinh doanh; hợp đồng mua, bán chồi, cây giống; nhãn hàng hóa... Ông Lê Ngọc Tuấn, chủ hộ kinh doanh Tuấn Phượng (thôn 10, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) có vườn ươm cây giống 4 sào cho biết, trước đây, do chưa được phổ biến về các quy định của pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh cây giống nên gia đình chỉ làm theo kinh nghiệm, mua chồi, giống không có hợp đồng hoặc hóa đơn chứng từ liên quan đến lô giống… Từ khi được cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn, gia đình đã tập trung hoàn thiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, từng bước đưa tem, nhãn dán lên bao bì sản phẩm khi xuất bán cho nông dân. Tương tự, ông Trịnh Xuân Sinh, đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp bền vững Xuân Lương cũng cho hay, trước đây, gia đình ông thường nhận giống cây từ các nhà vườn về gia công và ăn theo sản phẩm. Nay ông được lựa chọn xây dựng vườn ươm giống cho Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) nên gia đình đã thành lập công ty để tiện lợi hơn cho việc sản xuất, kinh doanh cây giống theo đúng quy định của pháp luật… Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật như chưa cung cấp đầy đủ chứng từ thể hiện nguồn gốc giống; nhãn hàng hóa chưa đầy đủ thông tin; một số cơ sở không hợp tác khi Đoàn đến làm việc…

Kiểm tra bao bì, nhãn mác trên bầu cà phê giống tại một cơ sở ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột.
Kiểm tra bao bì, nhãn mác trên bầu cà phê giống tại một cơ sở ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột.

Siết chặt… từ vườn ươm

Trong sản xuất nông nghiệp, giống là một trong bốn yếu tố quyết định hiệu quả sản xuất; với cây công nghiệp, cây ăn quả có chu kỳ kinh doanh dài hàng chục năm thì yếu tố này mang tầm quyết định. Do đó, để từng bước đưa công tác quản lý giống đi vào nền nếp và đáp ứng các quy định của pháp luật, ngành Nông nghiệp đã ban hành tiêu chí bình tuyển cây đầu dòng và văn bản hướng dẫn điều kiện bảo đảm chất lượng giống cây công nghiệp và cây ăn quả trong quá trình sản xuất, kinh doanh... Và mục đích của công tác thanh, kiểm tra lần này là tập trung vào một số điều kiện cần thiết đối với các cơ sở sản xuất, kinh  doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm; nhắc nhở, hướng dẫn người dân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trên địa bàn tỉnh hiện nay có trên 200 cơ sở kinh doanh cây giống, tập trung chủ yếu tại TP. Buôn Ma Thuột (xã Hòa thắng, Ea Tu, Hòa Thuận…). Pháp luật quy định, kinh doanh cây giống với mục đích thương mại phải có đủ các giấy tờ pháp lý liên quan, có địa điểm sản xuất phù hợp với quy hoạch của ngành Nông nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, kiểm dịch thực vật, có cơ sở vật chất và thiết bị kỹ thuật phù hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất từng loại giống, cấp giống… Trên thực tế, ở Đắk Lắk có số lượng cơ sở kinh doanh nhiều, lượng cây giống sản xuất lớn, trong khi cơ quan chuyên môn không có phương tiện kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng cây giống mà chỉ có thể kiểm tra theo cảm quan bên ngoài, còn chất lượng giống có đạt hay không phải chờ khi cây trồng đi vào giai đoạn kinh doanh (2-5 năm tùy loại) mới biết được. Do đó, việc siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống từ gốc-vườn giống thường chỉ dựa theo hóa đơn, chứng từ liên quan (là giải pháp hữu hiệu hiện nay) bởi hóa đơn, chứng từ… là cơ sở chứng minh hạt giống, chồi giống lấy từ những vườn cây đầu dòng, vườn nhân chồi đạt chuẩn và sản xuất đúng quy trình thì theo đó, chất lượng giống cũng được bảo đảm.

Ông Trịnh Xuân Sinh (giữa) cung cấp thông tin về vườn ươm của mình cho Đoàn thanh tra.
Ông Trịnh Xuân Sinh (giữa) cung cấp thông tin về vườn ươm của mình cho Đoàn thanh tra.

Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, sự cố gắng hoàn thiện, đi vào nền nếp của các cơ sở, thời gian tới Đắk Lắk chắc chắn sẽ có những vườn cây đầu dòng, vườn nhân chồi bảo đảm chất lượng, việc quản lý của các ngành chức năng cũng sẽ thuận lợi hơn. 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.