Phụ nữ huyện Krông Búk giúp nhau phát triển kinh tế
Thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo”, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Krông Búk đã triển khai nhiều cách làm linh hoạt, giúp hàng trăm gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Hội Phụ nữ huyện Krông Búk hiện có 8.309 hội viên, phần lớn các chị em đều làm nông nghiệp và buôn bán nhỏ, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để phát triển kinh tế. Xuất phát từ nhu cầu đó, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện đã đẩy mạnh phương châm “Hướng mạnh về cơ sở - hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Theo chị Lưu Thị Hòa, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Krông Búk, nhiều phong trào và cuộc vận động đã được các cấp Hội triển khai, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của hội viên. Điển hình như các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “5 con bò sinh sản - chung tay vì phụ nữ nghèo”; “Nuôi heo đất”; “Hũ gạo tình thương”…, bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình, xã hội.
Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ huyện còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện Krông Búk để các hội viên vay vốn (tổng dư nợ đến cuối năm 2016 là trên 58,4 tỷ đồng, với 2.478 hộ hội viên vay); vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia học nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo việc làm cho chị em.
Chị Nguyễn Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 9, xã Cư Pơng (bên trái) thăm mô hình vườn ươm cây giống của hội viên Lê Thị Thùy Dương. |
Bên cạnh những phong trào thi đua chung, các cấp hội như xã Cư Né, Cư Pơng, Ea Sin, Pơng Drang… cũng vận động chị em tham gia giúp nhau làm kinh tế bằng nhiều hình thức. Chị Hoàng Thị Niệm, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cư Né cho biết, hằng năm, Hội đã phát động một số phong trào như “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Tiết kiệm theo gương Bác”… thu hút không chỉ đông đảo các hội viên mà còn nhận được sự hưởng ứng của cả cộng đồng. Đến nay, tổng số tiền Quỹ tiết kiệm do hội viên đóng góp được trên 153,3 triệu đồng, hỗ trợ cho nhiều lượt chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Từ các phong trào nói trên đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu như chị Ngô Thị Như, thôn Ea P’lai (xã Cư Né) trước đây là hộ nghèo. Năm 2015, chị được Hội Phụ nữ xã cho vay 20 triệu đồng từ quỹ tiết kiệm để phát triển kinh tế. Với bản tính siêng năng cần cù, lại được nhiều chị em hội viên hỗ trợ về công lao động, kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi nên đầu năm 2016 gia đình chị Như đã thoát nghèo, kinh tế dần ổn định với thu nhập trên 60 triệu đồng/năm.
Còn với trường hợp của chị Lê Thị Thùy Dương ở thôn 9, xã Cư Pơng, năm 2014, nhờ sự hỗ trợ của Chi hội Phụ nữ thôn, tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi 15 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị không còn phải làm thuê như trước nữa mà chuyển sang ươm giống cây trồng bán cho bà con trên địa bàn. “Từ vườn cây giống 2 sào, mỗi năm gia đình tôi thu về 200 triệu đồng, mua thêm rẫy, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học và tạo điều kiện cho 4 phụ nữ trong thôn có việc làm thường xuyên với thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng”- chị Dương chia sẻ.
Có thể nói, từ những hoạt động cụ thể và sự chủ động của các cấp Hội Phụ nữ huyện Krông Búk trong phong trào phát triển kinh tế không chỉ giúp chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc