Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Nan giải thu hồi nợ thuế

15:31, 23/06/2017

Theo thống kê của Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột, đến nay trên địa bàn có 2.145 doanh nghiệp (DN) còn nợ thuế khó thu với tổng số tiền trên 167,1 tỷ đồng, trong đó có 1.782 DN nợ quá 90 ngày (thời gian được phép gia hạn) với tổng số tiền 148,54 tỷ đồng và 363 DN nợ gần 18,6 tỷ đồng thuế từ nhiều năm trước không có khả năng thu hồi.

Đứng tốp đầu trong danh sách nợ thuế quá 90 ngày là DN tư nhân Thương mại Nhung Thịnh (khối 11, phường Tân An) nợ 3 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Xây dựng Huy Phương (12 Bế Văn Đàn) nợ thuế gần 1,6 tỷ đồng; Công ty TNHH TM Tuấn Tú (số 1 Nguyễn Văn Linh) nợ trên 1,1 tỷ đồng… Mặc dù Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột đã áp dụng nhiều biện pháp như: lập các biên bản làm việc đôn đốc nợ đến DN; phát hành thông báo yêu cầu các DN nộp tiền thuế; công khai tên DN nợ thuế trên kênh thông tin đại chúng… nhưng các đơn vị này vẫn không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.

Công ty Cổ phần Thống Nhất (phường Ea Tam) với hệ thống kinh doanh quán cà phê, karaoke, nhà hàng tiệc cưới, siêu thị…  đang nợ thuế gần 200 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Thống Nhất (phường Ea Tam) với hệ thống kinh doanh quán cà phê, karaoke, nhà hàng tiệc cưới, siêu thị… đang nợ thuế gần 200 triệu đồng.

Theo ông Vũ Quang Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ thuế kéo dài phần lớn là do các DN cố tình chây ì, hoặc dùng các chiêu trò lách luật để trốn thuế như xuất hóa đơn khống, lập ra nhiều công ty rồi tự giải thể… Điển hình phải kể đến Công ty TNHH Phú Long (địa chỉ tại xã Hòa Thắng) đã xuất khống hàng loạt hóa đơn giá trị gia tăng, chiếm đoạt 2,7 tỷ đồng tiền thuế (hồ sơ vụ việc đang được Công an TP. Buôn Ma Thuột điều tra xử lý). Hay như trường hợp của cá nhân Hoàng Mạnh Nam (trú tại xã Ea Kly, huyện Krông Pắc). Từ năm 2012 đến nay, Nam đã thành lập ít nhất 3 DN, hoạt động chỉ trong thời gian ngắn rồi tự giải thể, để lại khoản nợ thuế trên 500 triệu đồng… Phần lớn số thuế nợ đọng hiện nay đều nằm ở các DN đã bỏ địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, hoặc không có tài sản giá trị để cưỡng chế nên dù ngành Thuế có áp dụng đầy đủ các biện pháp vẫn khó thu được.

 

“Do những năm gần đây DN làm ăn thua lỗ triền miên nên dẫn đến chậm nộp thuế. Biết rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến uy tín công ty và bị ngành chức năng xử phạt nhưng không còn cách nào khác!”

 

 

Ông Nguyễn Văn Từ, Giám đốc Công ty Cổ phần Thống Nhất

Để quản lý hiệu quả việc thu - nộp thuế, ngăn chặn tình trạng nợ gia tăng, ông Tuyến cho biết, Chi cục Thuế thành phố sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế với nhiều hình thức để người nộp thuế nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm túc. Không chỉ chú trọng những biện pháp “cứng” theo quy định của pháp luật, ngành Thuế đang triển khai áp dụng biện pháp quản lý mềm dẻo, linh hoạt như: kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của DN; luôn lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân cũng như thực trạng nợ của từng đơn vị, từ đó có giải pháp phù hợp nhằm chia sẻ, hỗ trợ người nộp thuế vượt qua khó khăn, sớm hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước…

Với những giải pháp này, mong rằng sẽ giúp công tác quản lý thuế, đôn đốc thu hồi nợ thuế đạt được hiệu quả bền vững hơn.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc