Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội hợp tác Hàn Quốc - Tây Nguyên

09:01, 09/07/2017

"Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc hãy đến với Tây Nguyên để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ là cầu nối gắn kết giữa nhà đầu tư với các địa phương trong tiến trình hợp tác phát triển ngày càng sâu rộng, cùng có lợi, bền vững trên các lĩnh vực”, đó là khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Điểu K’Ré trong Chương trình gặp gỡ Hàn Quốc - khu vực Tây Nguyên” năm 2017 vừa tổ chức vào trung tuần tháng 6 tại TP. Buôn Ma Thuột.

Nỗ lực thu hút đầu tư

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đạt trên 50 tỷ USD, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 42,8 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu được Hàn Quốc lựa chọn ở Đông Nam Á, riêng năm 2016 đạt mức kỷ lục 1,75 triệu lượt người. Hiện có gần 150 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Hàn Quốc. Với mối tương giao truyền thống lâu đời, các tỉnh Tây Nguyên mong muốn doanh nghiệp Hàn Quốc nhìn nhận cơ hội hợp tác mở rộng đầu tư dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trên tiêu chí bền vững, đôi bên cùng có lợi.

Nhà đầu tư Hàn Quốc nghe giới thiệu về các sản phẩm cà phê của Đắk Lắk.
Nhà đầu tư Hàn Quốc nghe giới thiệu về các sản phẩm cà phê của Đắk Lắk.

Phát biểu tại Chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc - khu vực Tây Nguyên” năm 2017, đồng chí Êban Y Phu, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đề xuất:  Tỉnh rất mong muốn được hợp tác với Hàn Quốc để chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến cà phê, cao su, hồ tiêu, rau, củ, quả… nhằm từng bước nâng cao chất lượng nông sản, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo... Hy vọng qua Chương trình gặp gỡ này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc và  Đắk Lắk sẽ “bén duyên”. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Cao Huy cam kết: “Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư hiệu quả; đồng thời thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ cũng như của tỉnh”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho biết thêm, đầu tư vào địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc có cơ hội mở rộng thị trường sang các tỉnh Nam Lào, các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan. “Chúng tôi mong muốn đón tiếp các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian sớm nhất. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cũng như giảm các thủ tục hành chính không cần thiết”, ông Tuấn khẳng định.

Gắn kết Hàn Quốc với Tây Nguyên

Chương trình "Gặp gỡ Hàn Quốc - khu vực Tây Nguyên" năm 2017 thu hút hơn 50 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Hàn Quốc hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên ở các lĩnh vực giàu tiềm năng như: nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, năng lượng tái tạo… Ông Ravindranath Balakrishnan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Olam Việt Nam chia sẻ: “Olam là một trong những công ty hàng đầu về cung ứng nông nghiệp toàn cầu.  Đầu tư vào  Việt Nam từ năm 1999 đến nay Olam đã có 11 nhà máy với 5.000 nhân viên và là công ty hàng đầu trong ngành sản xuất hồ tiêu, cà phê và điều tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng qua Chương trình gặp gỡ lần này sẽ mở rộng thêm dự án trong tương lai khi lãnh đạo các tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ”.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với các doanh nghiệp Hàn Quốc.     Ảnh: H. Gia
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: H. Gia

Ngài Lee Hyuk, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam thẳng thắn đánh giá: Tiềm năng, thế mạnh của khu vực Tây Nguyên rất lớn, nhưng cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu, dẫn đến hệ thống logistics chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm về xuất khẩu của các tỉnh Tây Nguyên còn yếu. Dù còn nhiều hạn chế, nhưng các tỉnh Tây Nguyên cũng phải xây dựng phương án để xúc tiến kêu gọi đầu tư. “Tham dự Chương trình gặp gỡ hôm nay có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc, bên cạnh tiềm lực rất lớn về tài chính, họ còn có nhiều kinh nghiệm về phát triển các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nếu các tập đoàn lớn như Lotte đầu tư vào Tây Nguyên chắc chắn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc có thể nối tiếp đầu tư vào để phát triển những dự án mới”, ngài Lee Hyuk khẳng định.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tây Nguyên có những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu với sản lượng, số lượng đứng đầu thế giới, tuy nhiên chất lượng, giá trị xuất khẩu thấp. Còn Hàn Quốc rất có kinh nghiệm đưa công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, lần gặp gỡ này, Bộ Ngoại giao hy vọng sẽ gắn kết doanh nghiệp Hàn Quốc với các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên để tạo được môi trường đầu tư hấp hẫn thu hút được các doanh nghiệp Hàn Quốc, các tỉnh Tây Nguyên cần quan tâm hơn nữa đến chỉ dẫn địa lý, đảm bảo điều kiện sinh hoạt dành cho nhà đầu tư, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.