Những người đi tiên phong trong lao động sản xuất ở buôn làng
Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Krông Búk (huyện Krông Pắc) không chỉ là trung tâm đoàn kết ở cộng đồng mà còn là những người biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm gương cho bà con buôn làng noi theo.
Cà phê là cây trồng chủ yếu, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân buôn Mbê, nhưng hầu hết các diện tích đã già cỗi trên dưới 20 năm tuổi nên năng suất thấp. Do thiếu kinh phí và kỹ thuật trồng tái canh nên người dân trong buôn bỏ bê việc chăm sóc khiến năng suất cà phê vốn đã thấp lại càng thấp hơn, nguồn thu nhập của họ ngày càng tụt giảm. Phát huy vai trò của trưởng buôn, người đi tiên phong trong các phong trào sản xuất, kinh doanh tại địa phương, năm 2014 ông Y Bhem Kbuôr đã nhổ bỏ 1 trong 3 ha cà phê già cỗi của gia đình để trồng tái canh theo đúng quy trình, làm mẫu cho người dân trong buôn. Sau khi nhổ bỏ gốc cà phê, gia đình dùng máy cày cày đất kỹ để trồng ngô, đậu luân canh, mùa mưa năm 2015 bắt đầu trồng tái canh. Trong quá trình trồng, gia đình ưu tiên bón vôi, phân hữu cơ và tiếp tục trồng bắp, đậu xen canh nên vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm nguồn thu cho gia đình. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng 2 sào lúa, 6 sào màu và tận dụng các phế phẩm trong sản xuất làm nguồn thức ăn cho 6 con heo nái và gà. Nhờ biết xoay vòng vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổng thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình, sau khi trừ chi phí còn hơn 200 triệu đồng.
Vườn cà phê đa canh của gia đình ông Y Sin Niê. |
Tương tự, già Y Sin Niê, người có uy tín tại buôn Krãi A, nguyên là cán bộ nông dân xã nên có rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Ông luôn được người dân trong buôn tới thăm và trao đổi về các kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Hiện gia đình ông có 2 ha cà phê, 4 ha màu, nuôi 8 con bò... Để gia tăng thu nhập, gia đình luôn ưu tiên sử dụng các giống ngô lai, đậu cao sản cho năng suất, chất lượng cao và chia thời gian gieo trồng cách nhau vài tuần nhằm tận dụng tối đa các phế phụ phẩm trên vườn để bổ sung lượng thức ăn xanh dồi dào cho đàn bò. Còn phân bò được phơi khô, ủ hoai, tích trữ để chủ động được nguồn phân hữu cơ chất lượng bón cho cây trồng phát triển tốt. Hiện tại, với vườn cà phê 2 ha đã già cỗi, ông trồng xen sầu riêng, bơ, hồ tiêu, mãng cầu... thành vườn đa canh với dự định khi các loại cây trồng trên phát triển tốt, cho thu nhập thì ông nhổ bỏ cà phê. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Y Sin Niê còn tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường giao thông, đồng thời xây dựng bờ rào, cổng nhà đạt chuẩn của nông thôn mới. Hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 300 triệu đồng từ trồng trọt và chăn nuôi.
Vườn cà phê tái canh hơn 2 năm tuổi của gia đình ông Y Bhem Kbuôr (người đứng bên phải) luôn trĩu quả. |
Không chỉ biết làm giàu, gia đình ông Y Bhem Kbuôr và Y Sin Niê còn là gia đình gương mẫu của xã trong các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc